Lady Gaga gọi ông là “một người dẫn dắt” của nhạc jazz, là “một trong số những người tôi yêu thích nhất trên hành tinh này”. Hai biểu tượng của hai thế hệ khác xa nhau trong âm nhạc, nhưng họ cùng chung quan điểm khi nói về Tony Bennett.
Từ album phòng thu đầu tiên Because of You phát hành năm 1952 đến album cuối cùng là một tác phẩm song ca cùng Lady Gaga, Love for Sale, ra mắt năm 2021, Tony Bennett giống như một cây cự sam cổ thụ trong ngành ghi âm, với 7 thập kỷ làm nghề cùng hơn 100 album các loại và 20 giải Grammy.
Ông phá kỷ lục Guinness về người già nhất từng phát hành album. Ông đã hát suốt đời mình, hát đến khi tàn hơi, và chỉ dừng lại khi căn bệnh Alzheimer khiến ông không thể ca hát tiếp.
Cheek to cheek - Grammys 2015
Ông đã chứng kiến âm nhạc từ thuở còn thịnh hành những ban nhạc big band, từ khi jazz còn là nhạc đại chúng, đến khi rock ‘n’ roll lên ngôi và rồi nhạc pop thống trị.
Tony Bennett đã song ca hay kết hợp với tất cả những nghệ sĩ lớn nhất trong thời đại của họ, từ Frank Sinatra và Dean Martin, đến Paul McCartney và Elton John, từ Count Basie và Bill Evans đến Bill Charlap, từ Stevie Wonder và Billy Joel đến Bono và John Legend, từ Celine Dion và Barbra Streisand đến Amy Winehouse và Lady Gaga. Nhưng điều kỳ diệu nhất là gì?
Đó là Tony chưa bao giờ thay đổi, sau 70 năm.
Luôn luôn ông xuất hiện trong bộ suit đen, phần lớn đều từ một nhà may của Ý. Luôn luôn ông đeo cà vạt - món đồ mà ông coi là bí mật thành công của mình. Luôn luôn ông có trong túi áo ngực một chiếc khăn mùi xoa theo lời khuyên của Dean Martin.
Luôn luôn ông là giọng ca vàng của những bản nhạc standard của Great American Songbook (tuyển tập những ca khúc jazz và pop quan trọng của Mỹ thế kỷ 20). Không phải ông chưa từng nhận lời phàn nàn từ những “cá mập” ngành ghi âm.
Ông kể rằng: “Các tập đoàn nói với tôi: “Anh không hát disco! Anh không hát rap! Sao anh không theo thời đại gì cả?”. Tôi bảo: “Ừ thì tôi chỉ hát những bài hát chất thôi”. Tôi cứ như thế, và mọi thứ đều được đền đáp. Tôi rất hài lòng về kết quả đời mình”.
Tony Bennett là vậy. Thời trang có thể thay đổi, ông thì không. Xu hướng âm nhạc có thể thay đổi, ông thì không. Tổng thống Mỹ cứ 4-8 năm thay đổi một lần, nhưng từ Dwight D. Eisenhower đến Barack Obama, ai cũng mời ông tới biểu diễn cho họ, và ông luôn xuất hiện như ông vẫn thế.
Tony Bennett là một quý ngài đích thực cuối cùng, người cuối cùng trên thế gian dám nói rằng “âm nhạc của Elvis không gây ấn tượng gì với tôi”, một trong những người khiến cho danh xưng “người New York” trở nên đáng mơ ước, người biểu tượng cho nét thanh lịch đã vĩnh viễn biến mất trong thế giới giải trí hiện đại của những chiêu trò.
Hãy xem lại thước phim Tony Bennett thời trai trẻ trên chương trình truyền hình The Ed Sullivan Show - nơi ông thể hiện ca khúc kinh điển I Left My Heart in San Francisco, và rồi khi mái đầu đã bạc trắng trong những năm cuối đời khi hát lại ca khúc ấy trong buổi diễn cuối cùng của đời mình tại nhà hát bên trong Trung tâm Rockefeller.
Dù là thời điểm nào trong đời, quý ông Bennett cũng khiến trái tim ta tan chảy trong tiếng hát ung dung như một người bộ hành đang rảo bước qua những con phố cổ kính trong một buổi chiều nắng đẹp.
Ông hát gì cũng có sự ung dung và dịu dàng với thế giới, ông hát gì cũng trở thành tình ca êm ái nhất, dù là hát về những đại lộ nơi những kẻ ăn chơi gục ngã trong cơn vỡ mộng như The Boulevard of Broken Dreams hay hát về nỗi u hoài với cuộc đời đầy dông bão trong Stormy Weather, hay hát về tuổi trẻ nông nổi trong Young and Foolish.
Nghe cách hát tự nhiên như đang hít thở của ông, xem phong cách trình diễn không thèm tìm kiếm sự chú ý của ông, bạn biết rằng dù đôi khi ta có thể bị lôi kéo bởi một kiểu cách nào đó sặc sỡ hơn, màu mè hơn, hấp dẫn hơn, nhưng rồi sau cùng ta sẽ luôn muốn trở về với những gì mà Tony Bennett đại diện - sự chân thật, sự giản dị, sự dài lâu.
Ông từng nói ông thích những bộ suit đắt tiền, không lỗi thời và có thể mặc trong vòng 20 năm. Âm nhạc của ông cũng là như thế, sang trọng, nằm ngoài sự thay đổi xoành xoạch của mode, có thể tua đi tua lại trong hàng thập niên và hơn thế nữa.
Tony Bennett qua đời ở tuổi 96 vào ngày 21-7 vừa qua, cái tuổi mà không cần người đưa tiễn phải thương khóc, thậm chí có thể gọi là một dịp “hồng tang”.
Hơn 90 năm cuộc đời, ông đã không phí phạm một giờ phút nào để tận hiến cho âm nhạc: “Đời tôi rất đơn giản. Ý tôi là, người ta chơi một hồi trống, giới thiệu tên tôi, rồi tôi bước ra và hát. Trong công việc, tôi có một hợp đồng ghi rằng tôi là ca sĩ. Cho nên tôi hát".
Trong một thời đại loạn danh xưng, ai có thể nói về danh xưng của mình với thái độ nhẹ như lông hồng đến vậy, nếu không phải một người đã thấy hết tất cả và biết hết tất cả?
Album mới nhất của Tony Bennett với nghệ sĩ dương cầm Count Basie vừa được tái phát hành trên Spotify mang tên Life is A Song. Có lẽ tựa đề ấy đã gói gọn cuộc đời của vị danh ca huyền thoại: Cuộc đời là một bài hát. Không nhiều hơn. Không ít hơn.
Danh ca người Mỹ Tony Bennett đã qua đời tại quê nhà New York hôm nay 21-7, khi chỉ còn 2 tuần nữa là tới sinh nhật lần thứ 97 của ông.