Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y 103, cho biết thuốc chống suy tim về cơ bản là tất cả các thuốc làm tăng sức mạnh co bóp của cơ tim. Nó có tác dụng chống lại sự suy yếu của hoạt động chức năng của cơ tim.
Trong danh mục thuốc của người bệnh tim mạch, thuốc chống suy tim là thuốc sống còn vì nó quyết định ngay lập tức tới sức sống của bệnh nhân.
Nhưng dùng thuốc chống suy tim rất phức tạp. Uống thêm một chút thì chạm liều gây độc nhưng giảm đi một chút là thiếu liều điều trị. Để đảm bảo tính toàn vẹn về tác dụng, khi dùng thuốc chống suy tim phải tránh các các loại rau, quả sau:
Cải xoong gây hạ kali máu và nhiễm độc
Trong giai đoạn đầu điều trị, sự phối hợp cải xoong và thuốc chống suy tim có thể tăng hiệu quả điều trị vì nó giảm phù trên bệnh nhân, một triệu chứng hay gặp của suy tim. Tuy nhiên, rất cần sự theo dõi của bác sĩ.
Nhưng ở giai đoạn dùng thuốc kéo dài, việc kết hợp tự do hai thứ này nên cân nhắc, vì nếu không thì dễ gây ra nguy cơ nhiễm độc thuốc.
Lý do rất đơn giản: cải xoong dễ làm hạ thấp nồng độ kali máu. Kali máu thấp làm tăng nguy cơ nhiễm độc thuốc chống suy tim vì kali là điện giải giúp điều hòa tác dụng. Khi dùng cải xoong tự do, tác dụng lợi tiểu mạnh của thứ thực phẩm này có thể làm hạ thấp nồng độ kali máu. Điều đó khiến sự điều hòa tác dụng của thuốc rất khó khăn, dễ dàng gây ra nguy cơ nhiễm độc.
Vì thế, nếu không có sự kiểm soát của bác sĩ về liều lượng và ngưỡng thấp kali thì người bệnh không nên tự ý phối hợp. Nếu người bệnh muốn dùng cải xong thì phải dùng cách xa thời điểm uống thuốc ít nhất 4 giờ đồng hồ.
Rau muống và bắp cải "báo hại" người bệnh
Đã dùng thuốc chống suy tim thì đừng nên ăn rau muống và bắp cải. Vì hai thứ rau này làm giảm liều hiệu dụng của thuốc và do đó tác dụng chống suy tim không đạt được như ý. Nguyên nhân nằm ở chất xơ trong hai loại rau này.
Chất xơ trong thực phẩm được coi là một yếu tố làm suy yếu thuốc mạnh nhất. Chúng theo các cách tương tác phân tử khác nhau đã làm suy giảm sự hấp thu của thuốc theo đường uống.
Người ta đã tính toán và thấy rằng nếu một chế độ ăn giàu chất xơ có thể làm giảm tới 45% hàm lượng thuốc được hấp thu so với thông thường. Tức là nếu uống 1/2mg thuốc chống suy tim thì thực ra thuốc vào trong cơ thể bạn chỉ là 1/4. Tác dụng chống suy tim không thể đạt được.
Trong khi đó, rau muống và bắp cải là hai thứ rau phổ thông có hàm lượng xơ khá cao. Nếu như trong bữa ăn của chúng ta giàu hai thứ thực phẩm này thì báo hại cho người bệnh. Chúng sẽ gián tiếp làm cho bệnh của chúng ta nặng hơn thông qua con đường ngăn chặn thuốc hấp thu.
Điều nên làm là trong chế độ ăn không được xây dựng một chế độ ăn giàu chất xơ. Một ngày với người suy tim chỉ nên ăn không quá 300 gam rau. Cũng không nên tập trung vào một bữa.
Vì thuốc chống suy tim chỉ uống liều duy nhất trong ngày, nên tốt nhất là uống cách xa bữa ăn. Nếu bạn uống vào sáng thì tối hãy ăn nhiều rau củ. Còn buổi trưa thì tạm thời bạn ăn ít lại. Nên tránh tối đa rau muống và bắp cải.
Bưởi, cam
Có vẻ hai thứ quả này vẫn được ca tụng là hai thứ quả tuyệt vời trong lĩnh vực chống oxy hóa, bảo vệ sắc đẹp của làn da. Nhưng trong tình huống chăm sóc người bệnh suy tim thì chúng lại không thể nằm trong danh mục.
Lý do đơn giản là vì hai thứ quả này có thể làm tăng nồng độ thuốc quá cao trong máu. Điều này rất nguy hiểm cho người dùng vì chúng tạo ra hiệu ứng gần như nhiễm độc thuốc vậy. Mà nhiễm độc thuốc chống suy tim nguy hại như chính bệnh suy tim đều, có thể gây thiệt hại tính mạng không kịp trở tay.
Cơ chế chính là do trong thành phần của hai thứ quả này có một chất làm tăng sự hấp thu thuốc. Các chất này ức chế glycoprotein P, một loại protein của ruột. Protein này có vai trò kiểm soát các chất được hấp thu qua màng ruột. Ức chế protein này thì các chất được hấp thu tăng cường, trong đó có thuốc chống suy tim.
Điều đáng nói, nếu như với các thuốc khác sự tăng hấp thu là rất tốt thì thuốc chống suy tim lại không tốt chút nào. Bởi chúng là thuốc có biên độ điều trị hẹp. Tức là liều tác dụng và liều gây độc không cách xa nhau. Nếu nồng độ thuốc tăng lên ngoại ý thì có thể gây ra sự quá liều và nguy hại cho người bệnh.
Đối phó: tuyệt đối không ăn cam, bưởi khi uống thuốc chống suy tim. Nếu như bạn lỡ là tín đồ của thứ quả màu vàng chua ngọt, thì bạn có thể dùng. Tuy nhiên, nhớ là chỉ dùng hai thứ quả này cách xa thời điểm uống thuốc ít nhất 8-10 tiếng.
Già hóa dân số kết hợp với các bệnh lý phổ biến như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường đang làm tăng nguy cơ mắc suy tim. Bệnh nhân suy tim giai đoạn nặng vừa đến nặng có nguy cơ tử vong đến 50% trong 5 năm.