Trung Quốc và Mỹ mua lượng lớn tiêu Việt Nam
Báo Vietnamnet dẫn nguồn thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 152,7 nghìn tấn hạt tiêu, thu về 483,2 triệu USD, tăng 23,6% về lượng nhưng giảm tới 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ tính trong tháng 6/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 3.667 USD/tấn, tăng 18,1% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 11,3% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.184 USD/tấn, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu đen tăng cả về lượng và trị giá, trong khi xuất khẩu các chủng loại hạt tiêu khác đều giảm mạnh.Trung Quốc và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng được ví như "vàng đen" này của nước ta, chiếm lần lượt 35% và 16% tổng sản lượng tiêu xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm.
Cụ thể, Trung Quốc mua 46.169 tấn, tăng 1.668,9% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 21.093 tấn, giảm 15,5%.
Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục mua vào khối lượng lớn hạt tiêu của Việt Nam đã thúc đẩy giá tiêu tăng, mặc dù nhu cầu tại các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vẫn yếu.
Tuy nhiên, thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc thu mua liên tục từ đầu năm đến nay (đạt gần 50 ngàn tấn) cho thấy Trung Quốc đã mua gần đủ nguồn hàng dự trữ. Bên cạnh đó, việc EU đưa ra quyết định không nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản được trồng trên đất từ phá rừng cũng tác động tiêu cực lên giá hạt tiêu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 76.727 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 235,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 40,5% tương đương 22.112 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 7,3% tương đương 18,5 triệu USD.
Quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 18.685 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 54,8 triệu USD, tăng 45,8% về lượng và 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 3.369 tấn hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 261,9%.
Theo các chuyên gia thời gian tới, ngành hồ tiêu cần tập trung nâng cao chất lượng, tỉ lệ chế biến để tạo giá trị gia tăng và khai thác hiệu quả các thị trường phân khúc cao.
Dự báo giá tiêu trong nước kéo dài xu hướng đi ngang
Theo Công Thương, giá tiêu ngày 23/7/2023 tại thị trường trong nước không có biến động. Theo đó, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên được thương lái thu mua quanh mốc 67.000 – 68.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) duy trì ổn định. Theo đó, giá tiêu Chư Sê đang được thương lái thu mua ở mức 67.000 đồng/kg. Giá tiêu Đắklắk hôm nay và giá tiêu tại Đắk Nông đều duy trì ở mức 68.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá tiêu tại khu vực này đang được thu mua quanh mốc từ 68.500 – 70.000 đồng/kg.
Theo đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mốc 68.500 đồng/kg. Giá tiêu Bình Phước ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu Bà Rịa Vũng Tàu vẫn có giá cao nhất và hôm nay được thương lái thu mua ở mức 70.000 đồng/kg.
Như vậy, giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước không có biến động so với hôm qua. Trong tuần qua, giá tiêu có sự biến động nhẹ tại Đông Nam bộ. Đầu tuần, giá tiêu tại Đông Nam bộ tăng nhẹ 500 đồng/kg, tuy nhiên trong phiên cuối tuần, giá tiêu tại khu vực này quay đầu giảm.
Trong khi đó kết thúc phiên giao dịch hôm qua, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết mức giá giảm với tiêu Indonesia. Theo đó, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.728 USD/tấn, giảm 0,21%; Giá tiêu trắng Muntok 6.453 USD/tấn, giảm 0,23%.
Với các quốc gia còn lại, giá ổn định. Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.050 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.
Tính chung thị trường hạt tiêu tuần này phản ứng khá tích cực và không có quốc gia nào báo giảm. Tuy nhiên, thời điểm cuối tuần, đồng USD có chuỗi đà tăng khiến giá tiêu xuất khẩu các nước suy yếu.
Dự báo những tháng cuối năm, xuất khẩu hạt tiêu dự báo tiếp tục khó khăn do các thị trường lớn phục hồi chậm, lượng hàng tồn từ năm trước cũng là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu giảm thu mua hạt tiêu từ Việt Nam.
Đặc biệt, với tâm lý chờ đơn hàng từ thị trường như hiện nay, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp cần cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa với giá thấp.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị đạt 2 tỷ USD
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu năm 2022 (theo ITC), trong đó phải kể đến vị trí hàng đầu, chiếm thị phần nhập khẩu lớn tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông của một số gia vị Việt Nam như hồ tiêu, quế và hồi…
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị đạt hơn 1,4 tỷ USD, đóng góp vào con số hơn 55 USD tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn năm 2022.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đứng thứ nhất thế giới, và đứng thứ hai thế giới đối với cây quế. Tuy nhiên, nội tại ngành vẫn còn nhiều tồn tại, như thiếu vai trò trung gian cầu nối giữa khối tư và khối công, giữa nhà nước và doanh nghiệp và thiếu vắng vai trò của Hiệp hội; thiếu nghiên cứu thị trường, thiếu kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, nông dân và nhà chế biến;….
Bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu và quế, tạo sức mạnh tổng hợp, định vị là quốc gia cây gia vị trên thị trường thế giới, hướng đến mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt trên 2 tỷ USD trong 3 năm tới.
Ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Việc này đòi hỏi toàn bộ các thành viên trong toàn chuỗi phải đi cùng nhau và bắt buộc phải đi cùng nhau, cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng này.
Trúc Chi (t/h)