Nhiều cổ phiếu tăng hơn 10%/tuần
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch với các phiên "rung lắc", tăng - giảm đan xen. Mặc dù ban đầu gặp áp lực đáng kể khi nhà đầu tư thể hiện tâm lý thận trọng, nhưng sau đó lực cầu xuất hiện trở lại đã kéo thị trường tiếp tục duy trì sắc xanh, hàng trăm cổ phiếu tăng giá.
Chỉ số VN-Index khép lại tuần giao dịch tại mức 1.185,9 điểm, tăng 17,5% (+1,5%) so với tuần liền trước. Như vậy thị trường đã có ba tuần tăng điểm và đóng cửa ở mức cao nhất tuần, cho thấy động lực tăng mạnh mẽ.
Với diễn biến trên, bên cạnh người phấn khởi vì lãi khá đậm, cũng có không ít người tỏ ra tiếc nuối. "Đã tính toán rất kỹ nhưng sau đó không hiểu sao vẫn lưỡng lự, giờ các mã đó tăng tốt, tiếc hùi hụi. Thôi không sao, cơ hội vẫn còn (cười)", nhà đầu tư Trần Tiến Hải (29 tuổi, TP.HCM) chia sẻ.
Trong tuần, cổ phiếu ngành bảo hiểm và bán lẻ ghi nhận mức tăng tốt. Giữa lúc thị trường giằng co, khối ngoại đã tranh thủ mua ròng hơn 1.350 tỉ đồng, tập trung vào các mã VHM (Vinhomes), SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội), KBC (Phát triển đô thị Kinh Bắc), HSG (Hoa Sen)...
Sau khi sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức được khai trương, nhóm cổ phiếu bất động sản đã có diễn biến khá tích cực, nhiều mã tăng giá tốt với thanh khoản gia tăng mạnh như: PDR (Bất động sản Phát Đạt, +10%), DIG (DIC Corp, +11%), CEO (Tập đoàn CEO, +13%), HDC (Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, +17%), NDN (Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng, +22%)...
Vừa có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2-2023, nhiều mã có giao dịch đột biến, điển hình: BMP (Nhựa Bình Minh, +6%), DHA (Hóa An, +7%), SNZ (Sonadezi, +10%), VIX (Chứng khoán VIX, +12%), SZC (Sonadezi Châu Đức, +13%)...
Sẽ đối diện các nhịp "rung lắc" mạnh, xu hướng trung hạn là tăng
Ông Trần Minh Hoàng - trưởng phòng phân tích và nghiên cứu Chứng khoán Vietcombank (VCBS) - nhận định VN-Index tạo nên tuần tăng điểm thuyết phục. Ở cả khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo đều đồng loạt cho tín hiệu tích cực cùng với việc thanh khoản đạt xấp xỉ 19.000 tỉ đồng, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Với diễn biến hiện tại, VN-Index sẽ tiếp tục hướng lên khu vực 1.200 điểm, khi đó áp lực điều chỉnh có thể sẽ diễn ra mạnh và bất ngờ hơn.
Với góc nhìn kỹ thuật, ông Phạm Bình Phương, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng tâm lý chốt lãi ngắn hạn của nhà đầu tư có thể được cởi bỏ và tạo nên cú hích cho VN-Index tiếp tục tích cực trong các phiên đầu tuần tới.
Tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần chú ý, 1.200 - 1.210 điểm là vùng kháng cự mạnh, thử thách rất quan trọng cho đà tăng ngắn hạn và trung hạn của VN-Index.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), mặc dù trạng thái nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khá trầm lắng và khó dự báo, đặc biệt đối với thị trường bất động sản và thị trường xuất khẩu, song việc lãi suất có xu hướng giảm và ổn định giúp dòng tiền trong thị trường được bình ổn hơn.
Nhìn chung tâm lý giới đầu tư đang ổn định hơn, do có niềm tin kinh tế sẽ dần ổn định lại, kỳ vọng khó khăn của vĩ mô sẽ dần qua.
Về ngắn hạn, phía công ty chứng khoán cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có những bứt phá liên tiếp, nhưng sẽ đối diện với các nhịp rung lắc mạnh hơn, do đó nhà đầu tư cần thận trọng.
Trung và dài hạn, thị trường chứng khoán đã hình thành xu hướng tăng và mục tiêu VN-Index có thể hướng tới sẽ là khu vực 1.300 điểm. Trường hợp cần giải ngân thêm, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng, tập trung cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các mã có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy.
Tâm điểm chứng khoán tuần tới: Fed sắp tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm
Vào 25 và 26-7 tới đây, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ tiến hành cuộc họp, dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa lãi suất lên vùng 5,25% - 5,5%, cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây.
Chia sẻ với Hãng tin Bloomberg, các chuyên gia kinh tế dự báo sau đợt tăng kể trên Fed sẽ tạm dừng và khép lại chu kỳ tăng lãi suất kéo dài 16 tháng, cũng như cuộc chiến chống lạm phát cứng rắn nhất trong 40 năm nay.
Bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ ngân hàng.