Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Một trong nhiều nội dung được đề xuất bổ sung vào dự thảo nghị định mới là quy định về việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định có thể tạm khóa, khóa tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung vi phạm.
Giúp tạo các tài khoản chính xác
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cho hay trên thế giới, việc xác thực tài khoản và quy định các biện pháp tạm khóa, khóa tài khoản vi phạm trên mạng xã hội đã được áp dụng trong nhiều quốc gia, mang lại hiệu quả tích cực.
Một số nước ở châu Âu hay Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ đã có các quy định về xác thực tài khoản mạng xã hội thông qua số điện thoại di động.
Điều này giúp người dùng tạo ra các tài khoản chính xác và giảm thiểu hoạt động lừa đảo và tạo tin đồn. Quy định này giúp xác nhận danh tính của người dùng trong trường hợp vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội thường áp dụng các biện pháp khóa tài khoản vi phạm để ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật, như phát tán thông tin sai lệch, bạo lực và tin đồn.
Ông Sơn dẫn chứng Facebook, Twitter thường tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản vi phạm chính sách của họ như phát tán tin giả, tin tấn công cá nhân hoặc phạm pháp.
Tuy nhiên việc áp dụng quy định này cũng gặp phải một số thách thức. Do đó, cần sự cân nhắc giữa việc kiểm soát và bảo vệ quyền riêng tư và tự do ngôn luận của người dùng.
Đồng thời việc thực hiện cần được các cơ quan Chính phủ hỗ trợ và có sự tuân thủ đúng đắn từ các nền tảng mạng xã hội.
Với thực tế ở Việt Nam, ông Sơn đánh giá các đề xuất trên là biện pháp khá hiệu quả để kiểm soát và giám sát các tài khoản mạng xã hội.
Trong đó ông Sơn nhấn mạnh việc xác thực tài khoản qua số điện thoại di động sẽ giúp đảm bảo tính chính xác và đúng đắn khi người dùng đăng ký tài khoản.
"Điều này có thể giúp giảm thiểu các tài khoản giả mạo và hạn chế hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo và tạo tin đồn. Tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản có nội dung vi phạm cũng là một biện pháp cần thiết để xử lý các hoạt động không phù hợp trên mạng xã hội.
Việc này giúp ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch, đồng thời khuyến khích mọi người thực hiện việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và tôn trọng đạo đức công cộng", ông Sơn nêu.
Ông cũng cho rằng việc thực hiện quy định này cần được thảo luận và xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Tạo sự bình đẳng, góp phần loại bỏ nội dung xấu
Ông Vũ Ngọc Sơn - giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) - cũng nhận định việc định danh các tài khoản số bao gồm các tài khoản mạng xã hội, mạng chia sẻ, OTT và các dịch vụ online khác là rất cần thiết.
Theo ông Sơn, việc quản lý, định danh các tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng.
Đồng thời góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật như lừa đảo hoặc gây hại cho xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng.
Trong dự thảo tờ trình về nội dung định danh tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại nêu rõ quy định này có tính khả thi, bởi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng.
Việc bổ sung quy định sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong, ngoài nước.
Theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp có thể từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.