Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành tập trung nguồn lực, triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Việc ngành BHXH đã kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) và ứng dụng công nghệ số đã giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến BHYT, BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Cơ quan BHXH TP.HCM đã có những chia sẻ về kết quả đạt được khi thực hiện Đề án 06 trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM.
Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
7 triệu CCCD được sử dụng thay thẻ BHYT
. Phóng viên: Việc cập nhật dữ liệu định danh cá nhân, CCCD của người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn TP.HCM đã được thực hiện như thế nào?
+ Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM: Cùng với sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, thời gian qua BHXH TP.HCM đã tích cực thực hiện cập nhật, bổ sung định danh cá nhân, CCCD của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đồng bộ với CSDL quốc gia về cư dân, phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06.
Với phương châm chỉ đạo “Dữ liệu dễ đồng bộ trước, dữ liệu khó, vướng đồng bộ sau”. BHXH TP.HCM đã tập trung vào bốn nhóm cụ thể như BHXH bắt buộc, BHYT hộ gia đình, trẻ em dưới sáu tuổi và nhóm học sinh, sinh viên.
Tính đến ngày 19-7, BHXH TP.HCM đã thực hiện đồng bộ định danh cá nhân, CCCD của hơn 7,1 triệu trên tổng số hơn 7,7 triệu người tham gia, đạt 92%.
BHXH TP.HCM đã thực hiện đồng bộ định danh cá nhân, CCCD của hơn 7,1 triệu trên tổng số hơn 7,7 triệu người tham gia, đạt 92%.
Về công tác thí điểm sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh (KCB) tại TP.HCM, số lượng CCCD đã được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi KCB bằng CCCD là 6.944.210; số lượng cơ sở KCB đã sử dụng CCCD trong KCB là 379/393; số lượng công dân sử dụng CCCD trong KCB là 4.350.347.
. Hiện nay vẫn còn 8% định danh cá nhân, CCCD của người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn TP.HCM chưa được cập nhật, đồng bộ với CSDL về cư dân. Vậy BHXH TP.HCM đã có kế hoạch gì để hoàn thành kế hoạch 100% CSDL được đồng bộ?
+ Với 8% định danh cá nhân, CCCD của người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn TP.HCM chưa được cập nhật, chúng tôi xác định đây là những số liệu khó khăn cần phải hết sức nỗ lực.
Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của BHXH TP.HCM sẽ phối hợp với các quận, huyện, TP Thủ Đức để thực hiện hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch theo từng nhóm để thu thập và cập nhật dữ liệu.
Cụ thể, đối với nhóm BHXH bắt buộc, hiện nay BHXH TP.HCM thông qua các doanh nghiệp để cung cấp CCCD cập nhật CSDL.
Đối với nhóm tham gia BHYT là học sinh, chúng tôi đang phối hợp với Sở GD&ĐT TP và các trường để cập nhật các em tham gia còn thiếu.
Đối với nhóm tham gia BHYT là sinh viên, chúng tôi sẽ phối hợp với các trường ĐH-CĐ để cung cấp CCCD.
Nhóm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thì chúng tôi thông qua các tổ chức thu để thu thập thông tin rồi cập nhật CSDL.
Nhóm hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng thì thông qua tổ chức bưu điện chi trả để thu thập thông tin về CCCD.
Cùng với quyết tâm cao, chúng tôi rất kỳ vọng trong thời gian không lâu mục tiêu 8% trên sẽ được hoàn thành.
12.519
là số cơ sở KCB triển khai việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chip trên toàn quốc.
Nhiều hồ sơ có thể nộp trực tuyến
. Hiện nay, các thủ tục hành chính nào đã được liên thông, tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến?
+ Thực hiện Đề án 06, ngành BHXH Việt Nam đã có các loại hồ sơ thủ tục hành chính đưa lên cổng liên thông để cung cấp DVC trực tuyến.
Thứ nhất, là tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, người dân có thể thực hiện gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên cổng DVC BHXH Việt Nam và cổng DVC quốc gia.
Thứ hai, người dân có thể nộp hồ sơ để thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng qua hình thức trực tuyến trên cổng DVC.
Thứ ba, liên thông giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ tích hợp thành công DVC “giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên cổng DVC quốc gia từ ngày 12-4-2022.
Tính đến ngày 15-7-2023, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 187.694 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
. Xin cảm ơn ông.•
Nhiều cách để đăng ký khám chữa bệnh BHYT
Tính đến ngày 15-7, toàn quốc đã có 12.519 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 97,7% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc). Có 32.585.579 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công để phục vụ thủ tục KCB BHYT.
Song song với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, BHXH Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy (đến nay đã có gần 30 triệu tài khoản VssID, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên VssID phục vụ KCB BHYT).
Trước đây, khi chưa triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, người bệnh khi đi KCB BHYT sẽ phải lưu trữ, xuất trình thẻ BHYT hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và giấy tờ tùy thân có ảnh (CMND/CCCD...) để làm thủ tục KCB.
Khi triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, người bệnh chỉ cần xuất trình một loại giấy tờ tùy thân là CCCD gắn chip để làm thủ tục KCB. Việc này giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh khi làm thủ tục KCB BHYT.
Cơ quan BHXH cũng giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin.
BHXH Việt Nam