Giới phân tích cho rằng, trạng thái nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khá trầm lắng và khó dự báo, đặc biệt đối với thị trường bất động sản và thị trường xuất khẩu (do kinh tế thế giới đang tăng trưởng thấp nên đơn hàng không nhiều). Tuy nhiên, việc lãi suất đang có xu hướng giảm và ổn định giúp dòng tiền trong thị trường chứng khoán trở nên bình ổn hơn.
Phản ứng sớm của thị trường
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SHS) nhận định, tâm lý giới đầu tư đang dần ổn định hơn do họ có niềm tin kinh tế sẽ ổn định trở lại. Thường thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng sớm nên SHS cho rằng, việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được.
Thị trường trong ngắn hạn tiếp tục bứt phá liên tiếp, nhưng với việc tăng không có điều chỉnh thị trường sẽ đối diện với các nhịp rung lắc mạnh hơn, do đó nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng, SHS khuyến nghị.
Trong trung, dài hạn thị trường đã hình thành uptrend (xu hướng tăng giá tổng thể của thị trường chứng khoán) và mục tiêu VN-Index có thể hướng tới sẽ là khu vực 1.300 điểm.
Theo SHS, thị trường đón nhận những thông tin trong tuần qua, như GDP quý II/2023 của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với 4,5% của quý I/2023 nhưng lại thấp hơn dự báo; tỷ lệ thất nghiệp Trung Quốc lập đỉnh mới, ở mức 21,3% trong tháng 6/2023; Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) công bố thay đổi thành phần VN30, VNFinLead kỳ tháng 7/2023. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào ngày 19/7/2023.
Việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển bền vững hơn.
Qua đó, nhóm cổ phiếu bất động sản vốn là nhóm có tỷ lệ phát hành trái phiếu cao đã có diễn biến khá tích cực, nổi bật trong thị trường, nhiều mã tăng giá tốt với thanh khoản gia tăng mạnh như NDN tăng 21,57%, HDC tăng 16,49%, CEO tăng 13,21%, DIG tăng 10,71% và PDR tăng 10,05%... Ở chiều ngược lại, một số mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ như DRH giảm 0,83%, ITC giảm 0,38%.
Các cổ phiếu ngân hàng đa số cũng có diễn biến tích cực trong tuần qua, có thể kể đến như VBP tăng 7,54%, SHB tăng 5,11%, HDB tăng 4,66%, MSB tăng 4,33%... Tuy nhiên, vẫn có những mã chịu áp lực giảm giá như STB giảm 0,86% và EIB giảm 0,99%...
VN-Index có tuần thứ ba liên tiếp duy trì xu hướng tăng mạnh với thanh khoản thị trường duy trì vượt mức trung bình. Trong tuần giao dịch vừa qua, VN-Index có 4 phiên đầu tuần giao dịch giằng co, biến động trong biên độ hẹp quanh vùng 1.165 - 1.180 điểm và tăng mạnh trong phiên cuối tuần, dưới ảnh hưởng tích cực của nhóm VN30.
Kết thúc tuần giao dịch từ 17 - 21/7, VN-Index tăng 1,5% so với tuần trước lên mức 1.185,90 điểm. VN30 tăng 2,24% lên mức 1186,60 điểm và HNX-Index tăng 2,08% so với tuần trước lên mức 234,98 điểm.
Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 89.670,63 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,1%, nhưng khối lượng giao dịch tăng nhẹ 0,2% so với tuần trước, duy trì vượt mức trung bình, cho thấy dòng tiền vẫn duy trì mạnh trong thị trường. Thanh khoản trên HNX tăng 8,4%, với 9.866,62 tỷ đồng được giao dịch.
Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều tuần bán ròng liên tiếp đã mua ròng trở lại với giá trị 1.176,36 tỷ đồng, mua ròng tốt trên HNX với giá trị 195,14 tỷ đồng.
Chuyên gia phân tích Nguyễn Huy Phương, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, trước diễn biến nguồn cung không quá lớn, dòng tiền có động thái gia tăng nỗ lực hỗ trợ và giúp thị trường có phiên tăng điểm mạnh cuối tuần, kèm theo thanh khoản lớn.
Với diễn biến tăng giá đang tiếp diễn, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và hướng tới vùng cản 1.200 -1.220 điểm trong thời gian tới, tạm thời vùng này có thể gây áp lực cung lớn đến thị trường.
Thị trường có thể bị bất ngờ nếu FED "quyết liệt" hơn dự kiến
Hình minh họa
Thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần tăng mạnh mẽ trong bối cảnh các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đang "hồi hộp" chuẩn bị đón nhận những quyết định quan trọng từ các ngân hàng trung ương hàng đầu.
Thị trường chứng khoán thế giới biến động trái chiều trong phiên 21/7, một ngày sau khi giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn của Mỹ giảm và trong bối cảnh các nhà đầu tư chuẩn bị cho một tuần của các quyết định lãi suất quan trọng đến từ các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới.
Sau một phiên giao dịch trái chiều trên các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á, Phố Wall đã kết thúc tuần bằng một nốt trầm.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones chỉ nhích chưa đầy 0,1% lên 35.227,69 điểm, tăng phiên thứ 10 liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2017. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng chưa tới 0,1% lên 4.536,34 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 14.032,81 điểm.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng thị trường có thể sẵn sàng cho một đợt giảm giá sau quý II mạnh mẽ và bắt đầu sang quý III. Theo chuyên gia Jack Ablin của công ty dịch vụ tư vấn đầu tư Cresset Capital, thông tin liên quan đến Netflix và Tesla đã góp phần thúc đẩy hoạt động chốt lời trong lĩnh vực công nghệ ở phiên này.
Còn tại châu Âu phiên 21/7, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,2% lên 7.663,73 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,7% lên 7.432,77 điểm, trong khi chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,2% xuống 16.177,22 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,4% lên 4.391,41 điểm.
Bên cạnh các báo cáo lợi nhuận, thị trường cũng hướng sự chú ý tới cuộc họp chính sách của FED vào tuần này. Trong khi FED được cho là sẽ tăng lãi suất, chuyên gia Art Hogan của công ty tài chính B. Riley Financial cho biết thị trường có thể bị bất ngờ nếu FED hành động "quyết liệt" hơn dự kiến. Ông Hogan cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư không mong đợi FED sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong tháng 9/2023.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới.
Trên thị trường tiền tệ, đồng Yen tăng nhanh so với đồng USD sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Nhật Bản tăng tốc trong tháng 6/2023, điều mà một số người coi là gia tăng áp lực buộc BoJ phải thắt chặt chính sách.
Tuy nhiên, đồng Yen sau đó đã giảm hơn 1% do các nhà quan sát cho rằng các số liệu này khó có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ siêu lỏng.
BoJ dự kiến sẽ giữ nguyên lập trường về chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tuần tới, sau những bình luận "ôn hòa" gần đây của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.47552611232703202-no-hnib-gnouh-ux-oc-naohk-gnuhc-gnourt-iht-o-neit-gnod/et-hnik/nv.vtv