Do giá lúa từ đầu năm đến nay ở mức cao nên nông dân phấn khởi, đẩy diện tích gieo trồng tăng liên tục. Chính vì vậy, cũng có những ý kiến lo ngại nhiều người đổ xô làm lúa có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả...
Nông dân phấn khởi
Bà Nguyễn Thị Tiền là một trong nhiều nông dân ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) xuống giống lúa hè thu sớm và hiện đã thu hoạch. Vụ này bà Tiền làm 2ha giống lúa OM18. Do gieo sạ sớm, né được thời tiết bất lợi nên trúng đậm, đạt trên 6 tấn/ha. Bà Tiền cho biết lúa mới trổ đòng đã có thương lái đến đặt cọc.
"Không khen chê như mọi khi, thương lái còn tranh nhau mua, cân tại chân ruộng 6.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời khoảng 60 triệu đồng", bà Tiền nói.
Thời gian gần đây, giá nhiều loại phân bón, trong đó có phân urê, giảm mạnh nên chi phí đầu vào trồng lúa cũng bớt căng thẳng như năm rồi.
"Tôi làm ruộng từ thời con gái, đến nay đã có cháu ngoại nhưng chưa thấy năm nào vụ hè thu lại bán được giá cao như vậy. Xuất khẩu gạo có đầu ra, giá lúa tăng liền. Có dư tiền đầu tư vụ lúa sau, trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà thoải mái hơn", bà Tiền tâm sự.
Còn ông Phan Đức Minh, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (An Giang), cho hay ngoài việc sản xuất lúa giống phục vụ bà con trong huyện, ông còn sản xuất lúa hơn 6ha, loại OM380. Trước đây, ông liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời được 18 năm. Hai năm nay, ông sản xuất giống tại nhà rồi bán sang nước ngoài.
"Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo đứng vào nhóm hàng đầu thế giới nên Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo dĩ nhiên giá gạo Việt Nam sắp tới sẽ tăng mạnh. Đây là cơ hội cho nông dân chúng tôi, nhất là bà con đã và đang ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa như hiện nay", ông Minh nói.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho hay do giá lúa từ đầu năm đến nay ở mức cao nên nông dân phấn khởi, đẩy diện tích gieo trồng tăng 1.500ha so với cùng kỳ năm ngoái, được khoảng 141.000ha, vượt 1,9% kế hoạch.
Nhiều tỉnh khác cũng tương tự. Như báo cáo của UBND tỉnh An Giang, sáu tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã xuống giống lúa được hơn 231.000ha. Riêng vụ hè thu, đến nay nông dân đã xuống giống trên 205.500 ha, tăng 6% so với vụ hè thu cùng kỳ năm trước.
Đảm bảo hạ tầng hỗ trợ nông dân
Nói về giá lúa gạo hiện nay trong bối cảnh Ấn Độ đã cấm xuất khẩu một số loại gạo, ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - nói: "Giá lúa hiện nay đang lên hằng ngày, hằng giờ nên người dân phấn khởi. Bây giờ quá thuận lợi, chúng tôi đang nghiên cứu điều chỉnh mùa vụ. Hiện nay tại Đồng Tháp lúa chín liên tục nên không lo ngại gì đến an ninh lương thực, không sợ thiếu hụt".
Theo ông Điền, khả năng năm sau sẽ rơi vào hạn hán, thiếu nước ở một số vùng cục bộ. Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn đảm bảo xuất khẩu, nếu có khó khăn thì chỉ giảm một chút khi có hạn hán.
"Đồng Tháp sẽ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hệ thống sấy phục vụ cho ngành hàng lúa gạo để đồng bộ với đề án 1 triệu ha lúa của Bộ NN&PTNT", ông Điền nói thêm.
Hiện những vùng xuống giống sớm của thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang bước vào thu hoạch lúa hè thu. Ghi nhận trong tuần qua, giá lúa các loại tiếp tục tăng. Hiện nông dân trồng các giống OM5451 và OM18 bán với giá từ 6.100 - 6.500 đồng/kg, còn lúa đặc sản từ 6.500 - 6.700 đồng/kg. Với giá lúa như vậy, nông dân trồng lúa rất hồ hởi, có lời khá.
Tránh tác động đến tâm lý nông dân
TS Võ Hùng Dũng, nguyên giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, cho rằng việc cần làm là phải ổn định sản lượng và tôn trọng các hợp đồng đã ký kết.
Ấn Độ là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Việc quốc gia này cấm xuất khẩu giới kinh tế gọi đây là cú sốc cung. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine cũng bị tạm hoãn, nên giá cả sẽ có tác động.
Đây không phải là lần đầu Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, họ thường làm thế. Mỗi lần như vậy đều có kết hợp diễn biến căng thẳng lương thực lúa gạo thế giới có ảnh hưởng đến giá xuất khẩu ngũ cốc, trong đó có gạo, ảnh hưởng đến lạm phát.
Ngoài ra, giá lúa cao, người dân sẽ gia tăng diện tích, kéo theo sản lượng tăng, đầu vào sử dụng phân bón, thuốc... cũng nhiều hơn.
Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá lúa có tăng nhưng sau một thời gian giá lúa sẽ bình thường trở lại. Lúc này, sản lượng mình quá lớn, đi tìm nguồn cung sẽ rất vất vả.
"Nhìn lại Ấn Độ và trước đây là Indonesia từng xuất khẩu gạo rồi lại nhập khẩu gạo, cho thấy chính sách về sản lượng lúa gạo, an ninh lương thực có tầm quan trọng rất lớn. Nếu không xuất khẩu, người dân sẽ khó khăn. Nhưng sản lượng, diện tích lớn quá cũng không cần thiết vì cần sử dụng hiệu quả đất đai, không phải chỉ để trồng lúa", ông Võ Hùng Dũng nhấn mạnh.
Giá gạo tăng khoảng 20 USD/tấn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 20-7 giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 533 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 11 USD/tấn. Còn gạo 25% tấm ở mức 513 USD/tấn, hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn.
Như vậy từ ngày 14 đến 20-7, giá gạo xuất khẩu 5% và 25% tấm của Việt Nam đều tăng thêm 20 USD/tấn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 xuất khẩu gạo của nước ta đạt 618.000 tấn, trị giá 340 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 14% về trị giá so với tháng trước.
Tuy nhiên, tính chung sáu tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng mạnh 21% về lượng và tăng 32% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 2,2 tỉ USD.
Đây cũng là kết quả xuất khẩu tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây.
Không lo mất an ninh lương thực
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, việc Ấn Độ tạm thời ngưng xuất khẩu gạo là cơ hội để gạo Việt tiếp cận thị trường mới. "Một khi mở rộng được thị trường, nông dân trồng lúa sẽ bán được giá cao, người dân an tâm gắn bó với cây lúa hơn, không bấp bênh như thời gian qua", ông Nhã cho biết.
Theo ông Nhã, thời gian sinh trưởng cây lúa ngắn, dao động hơn 90 ngày/vụ; năng suất cao, chất lượng ngày càng được cải thiện và vùng ĐBSCL đa dạng về sinh thái nên sản lượng lúa có gần như quanh năm, do đó không có gì đáng lo khi Việt Nam chớp cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Với sự tăng mạnh của giá gạo xuất khẩu, nông dân trồng lúa tại ĐBSCL thắng lớn vụ hè thu năm nay khi được mùa trúng giá, bởi giá lúa hè thu được thương lái mua vào thậm chí cao hơn giá lúa đông xuân.