Đôi chân không lành lặn trên chiếc xe máy ba bánh, phía sau chở theo những thùng sữa và quần áo cũ, rong ruổi trên những con đường của miền sơn cước huyện Khánh Sơn, anh Nguyễn Văn Cường mang đến cho bệnh nhân và người khó khăn sự hỗ trợ cần thiết, lan tỏa yêu thương và nghị lực sống mạnh mẽ.
Người khuyết tật, tâm nhân ái
Sinh ra lành lặn như bao người, nhưng lúc lên 4 tuổi, Cường bị một cơn sốt bại liệt quái ác khiến đôi chân dần teo nhỏ.
"Thuở nhỏ chưa biết gì, tôi nghĩ chỉ là căn bệnh bình thường. Nhưng sau này lớn lên, nhìn cơ thể khác với mọi người, tôi cũng cảm thấy tự ti, mặc cảm. May mắn được gia đình động viên, tôi cố gắng hoàn thành chương trình học trung cấp và làm việc như người bình thường" - anh Cường nhớ lại.
Năm 2009, anh Cường tốt nghiệp trung cấp ngành xét nghiệm tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (thuộc Bộ Y tế). Sau đó, anh về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho đến nay.
Thuở còn học phổ thông, vì dáng đi khác thường, bạn bè hay gọi anh là Cường "dẹo", nhưng không vì thế mà anh buồn. Anh còn nói rằng "biệt danh" ấy hợp với mình. Anh nghĩ về những người tàn tật, khổ đau, không may mắn bằng mình, từ đó mọi hành động của anh đều hướng đến họ.
Đầu tiên, anh Cường nghĩ ra và tổ chức mô hình "Tủ đồ 0 đồng" tại góc sân nhỏ ở Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn. Quần áo cũ được anh quyên góp từ khắp nơi, mang về hai vợ chồng giặt giũ, may vá, là ủi thẳng thớm, thơm tho rồi đưa về "cửa hàng quần áo" đặc biệt này.
Các bệnh nhân, người khó khăn thấy cần thì ghé đến, chọn cho mình chiếc áo cái quần phù hợp để mang về mặc.
Mô hình thứ hai mà anh Cường thực hiện là vào mỗi sáng sớm thứ hai hằng tuần. Anh tổ chức điểm phát 120 suất gồm bánh mì và xôi miễn phí cho bệnh nhân, những người khó khăn trên địa bàn, phát sữa cho bệnh nhi trong bệnh viện, trẻ em nghèo.
"Tôi tự vận động người ta cho áo quần cũ, sữa và các thứ cần thiết có thể giúp người nghèo. Tôi cũng chưa nhận hỗ trợ từ những tổ chức thiện nguyện nào vì liên quan đến tiền bạc là vấn đề khá nhạy cảm. May mắn là việc làm của mình được nhiều người ủng hộ, các mô hình giúp người nghèo khó được duy trì, không bị gián đoạn" - anh Cường chia sẻ.
Nhận trên tay những ổ bánh mì và hộp sữa từ anh Cường, những em nhỏ không quên trao cho anh một cái ôm thay cho lời cảm ơn tấm lòng nhân ái của anh. "Chúng em thường không được ăn sáng, nên khi nhận được bánh mì, sữa của chú Cường cho, ăn rất ngon, rất thích" - em Bo Bo Thị Loan nói.
Lan tỏa yêu thương với trái tim nhân hậu
Anh Cường kể có một câu chuyện đầy nước mắt mà anh không thể nào quên trên bước đường làm thiện nguyện.
Đó là một ngày hay tin một em nhỏ bị ung thư xương, không thể tự đi đứng được. Anh Cường nhanh chóng kêu gọi nhiều người, nhiều nơi góp sức để mua một chiếc xe lăn tặng bạn nhỏ này.
"Tôi và các bạn cùng làm thiện nguyện hồ hởi mang chiếc xe lăn đi tặng bạn nhỏ bị ung thư nọ như một món quà bất ngờ. Vậy nhưng đến nhà thì thật đau đớn khi biết bạn ấy vừa mới qua đời mấy hôm..." - anh Cường nghẹn lời, đôi mắt rơm rớm nước.
Anh Cường nói anh mong mình đủ sức khỏe, tập hợp thêm nhiều người có tâm thiện nguyện, kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm để khi có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ ngay thì việc giúp đỡ chủ động hơn, đến với họ kịp thời nhất, nhanh nhất.
Xong công việc vào buổi sáng, chiều đến người dân Khánh Sơn lại thấy bóng dáng nhỏ nhắn của anh Cường trên chiếc xe ba bánh đi xin từng chiếc áo, thùng sữa để mang về trao cho những người bất hạnh, khó khăn.
"Cảm phục ý chí và tấm lòng của anh Cường nên tôi mới đem lòng yêu mến, sau đó về cùng một nhà. Ngoài công việc thường nhật, tôi luôn hỗ trợ anh và các anh em trong nhóm trong công tác làm từ thiện" - chị Trần Thị Lài, vợ anh Cường, chia sẻ.
Còn bác sĩ Trần Ngọc Thạch - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn - cho biết những mô hình thiện nguyện của anh Cường đã tạo sức lan tỏa về tinh thần nhân ái không chỉ đối với đội ngũ y bác sĩ và nhân viên của trung tâm, mà còn tạo được sự đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ từ cộng đồng.
"Ở huyện vùng núi, nhiều người dân tộc thiểu số, nhiều hoàn cảnh khó khăn, hành động đó của Cường thật đáng cảm kích. Ngoài việc làm thiện nguyện, trong công tác chuyên môn, anh Cường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ" - ông Thạch nhận xét về 'Cường dẹo' có trái tim nhân hậu cho hay.
Tấm gương "Tỏa sáng nghị lực Việt"
Tháng 9-2022, anh Nguyễn Văn Cường vinh dự góp mặt trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tôn vinh tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt", được chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn khen thưởng đột xuất vì có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội, từ thiện, công tác chuyên môn.
Chị Cao Thị Thanh Thảo - phó bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn - cho biết anh Cường là một thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong các hoạt động xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
"Những hoạt động thiện nguyện của anh Cường được Huyện đoàn chia sẻ, tạo lan tỏa trong thanh niên, giới trẻ để nhân lên lòng nhân ái trong cộng đồng" - chị Thảo cho hay.
Chiều 27-4, khối thi đua 18 gồm Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của TP.HCM đã có buổi giao lưu điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt giai đoạn 2021 - 2023.