Quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ) sẽ đạt độ bao phủ 50% số tòa nhà công sở, nhà dân vào 2030. Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển loại hình này Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, theo ông Linh, chưa có cơ chế giúp ông và các hộ gia đình giải quyết những bài toán khó khăn khi đầu tư.
Cụ thể, ông kể, giá lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái giảm hơn so với trước, nhưng để đủ điện cho nhu cầu sử dụng hộ gia đình cần khoảng 4 kWp, ước tính chi phí đầu tư 60-80 triệu đồng. Trong khi đó, điện dư thừa lại không được mua lại hoặc hòa lưới điện, theo ông, sẽ rất lãng phí.
"Ban ngày gia đình gần như không có người ở nhà, trong khi điện mặt trời lại chỉ có lúc này khi bức xạ lớn. Muốn có điện dùng vào tối, đêm thì phải đầu tư thêm bộ lưu trữ điện có giá tới vài trăm triệu đồng, nên việc đầu tư không khả thi", ông nói.
TP HCM là nơi phát triển mạnh hệ thống điện mặt trời mái nhà với 14.150 hệ thống đang vận hành, tổng công suất 355 MW, chiếm khoảng 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện. Hệ thống này mỗi năm phát lên lưới khoảng 300.000 kWh điện. Nhưng từ đầu 2021 đến nay, phát triển điện mái nhà tại TP HCM tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM cho biết, việc tạm dừng đấu nối lưới điện khiến nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đã đầu tư điện mặt trời mái nhà gặp khó. Những khách hàng trước đó có kế hoạch đầu tư nguồn điện sạch này để sử dụng và bán phần công suất dư thừa cho ngành điện cũng không thể thực hiện.
Theo một công ty lắp đặt điện mặt trời áp mái tại quận Bình Thạnh (TP HCM), từ khi ngành điện dừng đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhu cầu lắp đặt cũng lao dốc. Trước đây, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này ký hợp đồng lắp đặt cho 100 hộ, thì nay chỉ vài hộ muốn làm. "Người dân không muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà nữa vì chính sách chưa rõ ràng, chưa hấp dẫn", vị đại diện đơn vị lắp đặt cho hay.
Một chuyên gia trong ngành ở TP HCM nói, trong bối cảnh khó khăn các chính sách về khuyến khích điện mặt trời áp mái Bộ Công Thương đang đưa ra "vẫn thiếu thiết thực".
"Quy định về tự sản tự tiêu đang bóp nghẹt nhà đầu tư và hộ dân muốn lắp đặt điện mặt trời. Cơ chế về hỗ trợ tài chính vẫn luôn ở trên giấy vì tới nay vẫn chưa thấy một quy định nào cụ thể", ông bình luận, và đề nghị cần quy định phù hợp thực tế hơn.
Chẳng hạn, khi phát điện lên lưới cần có cơ chế bù trừ để khuyến khích thêm người dân lắp điện áp mái. Ví dụ, hộ gia đình mua 500 kWh điện từ EVN và dư 100 kWh từ điện mặt trời áp mái. Theo ông, nên cho họ bù trừ và chỉ tính thuế sau số kWh điện đã bù trừ. "Nhà nước chịu thiệt một chút trong cách tính thuế nhưng người dân sẽ vui khi được hưởng lợi ích trên, dù không nhiều", ông nói thêm.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, người dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách khi lắp đặt loại năng lượng này cho mục đích tự dùng.
Bộ Kế hoạch & Đầu khi góp ý cũng cho rằng, các cơ chế đề xuất này còn chung chung, chưa hấp dẫn, thu hút đầu tư.
"Cần đặt ra mục tiêu cụ thể, được lượng hóa trong từng giai đoạn cùng với các cơ chế, chính sách cần cho phép nhà đầu tư hợp tác với người dân, tổ chức sở hữu, sử dụng nhà, tòa nhà, công sở để lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo thỏa thuận giữa hai bên", Bộ Kế hoạch & Đầu tư góp ý.
Bộ này cũng cho rằng, cần đề xuất miễn hoặc giảm các loại thuế, phí cụ thể cho nhà đầu tư. Còn với đề xuất ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cần có quy định đầy đủ, nghiên cứu làm rõ đây là vốn đầu tư công hay chi thường xuyên. Trường hợp sử dụng vốn đầu tư công cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của dự án đầu tư công.
Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, góp ý Bộ Công Thương có thể nghiên cứu thêm chính sách khuyến khích riêng cho từng vùng để hấp dẫn hộ gia đình đầu tư vào điện mặt trời áp mái.
Chẳng hạn, miền Bắc - khu vực có số giờ nắng ít hơn các khu vực còn lại (miền Trung, Nam), trên dưới 1.000 giờ một năm và tập trung chủ yếu vào mùa hè, thì cần có thêm cơ chế để đủ hấp dẫn hộ gia đình khu vực này đầu tư. Việc này sẽ giúp giảm thiếu điện cho miền Bắc vào mùa khô.
"Cần đưa ra những tín hiệu chính sách rõ ràng, ổn định mới có thể thu hút người dân bỏ tiền làm điện mặt trời mái nhà tự dùng, góp phần giảm thiếu điện cho miền Bắc vào mùa khô những năm tới", ông Lâm nói.
Chính sách khuyến khích Bộ Công Thương đưa ra mới dừng lại ở hộ gia đình, công sở chứ chưa áp dụng cho mái nhà xưởng, khu công nghiệp. Điều này theo các doanh nghiệp, khiến họ cảm thấy hụt hẫng, bởi không ít đơn vị xuất hàng xuất khẩu bắt buộc phải sử dụng năng lượng tái tạo để chuyển đổi xanh hóa, đáp ứng chứng chỉ xanh trong sản phẩm do các nước nhập khẩu đưa ra.
Dệt may - một trong các lĩnh vực bắt đầu bước chuyển xanh hóa sản phẩm, song các doanh nghiệp đang loay hoay với đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu nhà xưởng do chưa có cơ chế hỗ trợ rõ ràng.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 - cho biết các cơ chế chính sách cho điện mặt trời vẫn còn "trên trời" vì chưa có cơ chế hỗ trợ các các chi phí lắp đặt như vốn, giảm thuế, phí.
Ngoài ra, gần đây các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng khiến cho doanh nghiệp khó có thể lắp đặt hệ thống này. Bởi đối với các nhà máy và công trình cũ đã hoạt động được thẩm duyệt PCCC, được nghiệm thu hệ thống theo quy định cũ. Đến nay, nếu lắp điện mặt trời mái nhà sẽ phải thẩm duyệt lại PCCC, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo, sửa chữa, lắp mới thêm nhiều hạng mục PCCC mới để thỏa mãn điều kiện.
"Trong lúc đơn hàng giảm, doanh nghiệp tìm cách cầm cự, nếu các chính sách về lắp đặt điện mặt trời không thông thoáng và có lợi nhiều sẽ chẳng mấy doanh nghiệp quan tâm", ông Hồng nói.
Giải thích về điều này, Bộ Công Thương cho hay trước mắt cơ quan này chọn khuyến khích phát triển loại nguồn điện tại gia đình, trụ sở công sở, doanh nghiệp theo hình thức tự dùng với công suất phù hợp, không ảnh hưởng nhiều tới vận hành hệ thống điện.
Còn cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại nhà xưởng, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn cần thời gian nghiên cứu, thẩm định. Việc này nhằm kiểm soát công suất phù hợp hệ thống, tránh gây áp lực lên lưới điện, phát triển ồ ạt.
Tại dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cho biết, các dự án điện mặt trời mái nhà tại các nhà xưởng được phát triển theo nguyên tắc tính toán công suất tăng thêm phù hợp quy mô tại Quy hoạch điện VIII và theo từng tỉnh trên cơ sở tính toán tiềm năng kỹ thuật tại các khu công nghiệp.
Theo Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương, từ nay đến 2030, công suất nguồn điện này ước tính tăng thêm 2.600 MW. "Loại hình này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp", ông nói.
Với những góp ý cho rằng cơ chế đề xuất phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng chưa hấp dẫn, ông Hải nói, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, hoàn thiện và báo cáo Chính phủ.
Anh Minh - Thi Hà