Rau củ cho những người có nhu cầu tại ngân hàng thực phẩm Tafel ở Berlin.Ảnh: dw.com
Hiện có tới hơn 900 ngân hàng thực phẩm, do Hiệp hội Liên bang Tafel e.V., một tổ chức từ thiện giám sát, đang hoạt động hết công suất để hỗ trợ bất kỳ người dân nào chứng minh rằng mình đang gặp khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, ngày càng ít công ty quyên góp cho các ngân hàng này, mặc dù nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh lạm phát cao và dòng người tị nạn từ Ukraine đổ vào quốc gia này gia tăng. Đây cũng chính là lý do các ngân hàng thực phẩm đang kêu gọi sự giúp đỡ từ Chính phủ Đức.
Nhu cầu viện trợ lương thực mỗi ngày một lớn tại quận Köpenick của Berlin, nơi trung tâm người hâm mộ của đội Bundesliga FC Union Berlin đã được chuyển đổi thành địa điểm phân phối thực phẩm. Những dòng người dài đứng bên ngoài trong cái nóng bỏng rát với nhiệt độ có thời điểm lên tới 35 độ C và không có bóng râm, chờ đợi để nhận đồ ăn.
Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW, Lauer, một bà mẹ đơn thân có con trai, cho biết: "Việc kiếm sống ngày càng khó khăn vì chi phí thực phẩm tăng cao". Tuy nhiên, hôm nay, cô ấy đã lấy hết can đảm và mong được mang về nhà một giỏ hàng tạp hóa được bán với giá chỉ 1,5 euro (1,70 USD), đồng giá cho tất cả mọi người.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), chi phí thực phẩm hiện đã tăng gần 15% so với năm ngoái, với lạm phát ở mức 7,3%. Đối với nhiều người có thu nhập thấp hoặc eo hẹp, đây là lý do họ phải dựa vào các ngân hàng thực phẩm để sinh sống.
Gia tăng khách hàng do xung đột
Báo cáo của Hiệp hội Liên bang Tafel cho biết kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, rất nhiều ngân hàng thực phẩm trên toàn nước Đức đã ghi nhận số người phụ thuộc vào hàng tạp hóa giảm giá tăng gấp đôi.
Chị Carol Seele, một quản lý tình nguyện viên tại ngân hàng thực phẩm Köpenick, nói với DW: "Trước xung đột, trung bình có 340 người đến để nhận thực phẩm phân phát của chúng tôi vào các ngày thứ Ba hàng tuần, nhưng hiện nay, có tới hơn 500 người". Một tình nguyện viên khác, chị Rita Hirsch, người lưu giữ hồ sơ tại trung tâm phân phối thực phẩm trên cho biết thêm: "Thứ Sáu tuần trước, chúng tôi có tới gần 600 khách hàng".
Seele chia sẻ: "Chúng tôi thấy ngày càng có nhiều khách hàng đến nhận đồ ăn do xung đột. Nhưng rất may mắn, chúng tôi vẫn chưa phải hạn chế tiếp nhận". Bất cứ ai có giấy tờ cần thiết chứng minh họ đang cần giúp đỡ đều có thể nhận viện trợ lương thực. Tuy nhiên, các ngân hàng thực phẩm khác đã bắt đầu giảm lượng hàng hóa mỗi ngày, thậm chí một số ngân hàng còn ngừng tiếp nhận người mới.
Các tình nguyện viên ở Berlin đã thành lập ngân hàng thực phẩm Tafel đầu tiên của Đức vào năm 1993. Tổ chức này cho biết họ hỗ trợ khoảng 2 triệu người, với các chi nhánh khu vực nhận quyên góp thực phẩm và tài chính. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ các chuỗi siêu thị lớn như Rewe, Lidl và Aldi... những nơi tặng nguồn thực phẩm dư thừa và các mặt hàng bị lỗi đóng gói.
"Phao cứu sinh" cho dân nghèo
Các ngân hàng thực phẩm của Đức thường giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể là những người có thu nhập dưới mức trung bình ở Đức. Theo thống kê, hiện có khoảng 13 triệu người được coi là sống nghèo khổ.
Hiệp hội liên bang Tafel cho biết, các khoản quyên góp thực phẩm đã giảm trong một thời gian dài. Chủ tịch mới của Tafel, Andreas Steppuhn giải thích rằng: "Nguyên nhân chính là các siêu thị hiện nay có xu hướng hoạt động tiết kiệm hơn và họ không còn quá nhiều thực phẩm thừa vào cuối ngày. Chúng tôi hoan nghênh điều này về nguyên tắc, bởi vì chúng tôi luôn nghĩ rằng điều đó thật khi giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, các ngân hàng thực phẩm hiện cần quyên góp nhiều thực phẩm hơn để hỗ trợ số lượng khách hàng ngày càng tăng".
Ông Steppuhn cho biết, các ngân hàng thực phẩm thuộc hệ thống Tafel, hoạt động độc lập với khoảng 60.000 tình nguyện viên, đang gặp khủng hoảng. Ông kêu gọi một nguồn tài trợ cơ bản (của nhà nước), để Tafel có thể đảm bảo hoạt động từ thiện của mình. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ liệu nhà nước Đức có ủng hộ ý tưởng này hay không./.