Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới
Thông tin trên VTV, hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ Đô la Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm ngoái... cũng lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,546 tỷ USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 35,9% so với kế hoạch năm 2023 (4,3 tỷ USD). Riêng trong tháng 6 xuất khẩu tôm đạt 328,9 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do suy giảm kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ chậm; lạm phát và lãi suất tăng cao tại Mỹ, EU, Hàn Quốc; tồn kho nhiều, các nhà nhập khẩu ráo riết giải phóng hàng tồn; các nước Indonesia, Ecuador thu hoạch sớm tôm với sản lượng và kích cỡ tôm cạnh tranh với tôm Việt Nam.
Kỳ vọng xuất khẩu tôm khởi sắc trong năm 2024
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm nay đạt 299 triệu USD, giảm 38%. Tháng 6/2023, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm 23%, mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm. Giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Hoa Kỳ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay.
Được biết, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ tôm lớn trên thế giới, nhưng sản xuất tôm ở Hoa Kỳ hiện chỉ đáp ứng 10% nhu cầu nội địa và phải nhập khẩu tới 90%, trong đó 50 - 60% là tôm nuôi, nước ấm/nước lợ và đông lạnh. Nguồn cung cấp tôm chính cho Hoa Kỳ là các nước Mỹ Latinh như Ecuador, Mexico, Argentina và các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam …
Theo báo Công Thương nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm là do giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn các nguồn cung đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chuyển sang dùng thực phẩm giá rẻ hơn.
Tồn kho còn nhiều nên các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sợ giá còn giảm nữa nên chưa dám mua vào. Tồn kho cao, chất lượng sản phẩm ngày càng giảm, chi phí lưu kho cao, các nước sản xuất vào vụ thu hoạch, cung tăng, giá tôm sẽ tiếp tục giảm nữa.
Thêm vào đó, tại Hoa Kỳ, lãi suất tăng liên tục, lãi suất vay ở Hoa Kỳ tăng cao, thậm chí còn cao hơn Việt Nam, tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ có thể tăng nhẹ từ tháng 8 trở đi để phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm. Giá tôm cũng tăng nhẹ vì tồn kho nhiều, lạm phát và nguồn cung dồi dào từ Ecuador, Ấn Độ.
Nhận định về thị trường xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Phạm Quang Huy - Tham tán nông nghiệp - Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ - đánh giá, lãi suất không tăng, kỳ vọng lạm phát dần được kiểm soát cùng với sức mua đang phục hồi trở lại. Kỳ vọng thị trường tôm ở Hoa Kỳ sớm khởi sắc trong năm 2024.
Với thị trường EU, những tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ chậm. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm nay đạt 153 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chiến tranh Nga - Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá.
Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ.
Đặc biệt, 4 quốc gia châu Á có sản phẩm tôm tương đồng cao bao gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Năm 2004, tôm Việt Nam bị Bộ Thương Mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra và kết luận áp thuế chống bán phá giá 4,30% đến 25,76%. Đến tháng 7/2016, DOC dỡ cho 1 doanh nghiệp Việt Nam. Sau đợt rà soát hành chính POR 13, Việt Nam có 2 bị đơn bắt buộc và 29 công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ mức 0%.
Tại thị trường này, tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Gần đây, Ecuador, Ấn Độ bắt đầu tăng xuất hàng chế biến sang EU tuy nhiên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này. Nên tôm chế biến của Việt Nam tại thị trường EU vẫn còn nhiều dư địa.
Dự báo, từ tháng 7, khi thu hoạch tôm từ các nước giảm, các nhà nhập khẩu EU bắt đầu tăng nhẹ sức mua từ Việt Nam để chuẩn bị cho dịp cuối năm.
Ngoài ra, với thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 192 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tôm giá trị gia tăng sang thị trường này. Hàng truyền thống như tôm nguyên con từ Việt Nam xuất sang Nhật phải cạnh tranh mạnh với Ecuador, Ấn Độ vì giá tôm Việt Nam cao. 2 năm gần đây, Nhật Bản tăng mua nhiều tôm Ấn Độ.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật tương đối thuận lợi hơn các thị trường khác do tôm từ các nước Ecuador, Ấn Độ chưa đáp ứng được bằng hàng Việt Nam về hàng giá trị gia tăng. Dự báo, quý cuối năm nay, nhu cầu nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ tăng nhẹ.
Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 214 triệu USD, giảm 22%. Nguyên nhân chính là do giá tôm Việt Nam cao. Dự báo, từ tháng 8 trở đi, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc dự kiến tăng nhẹ để phục vụ dịp Trung thu, Quốc Khánh và dịp lễ hội cuối năm.
Với thị trường Hàn Quốc, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 136 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm. Dự báo, từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu không biến động nhiều và tăng nhẹ để phục vụ dịp cuối năm.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sự khởi sắc này dựa trên cơ sở số liệu xuất khẩu tháng 3, 4 và 5 tại thị trường Hoa Kỳ cho thấy họ bắt đầu tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam và từ các nước khác, khi vấn đề tồn kho bắt đầu được giải quyết. Lượng tôm nguyên liệu sẽ không quá thiếu hụt trong giai đoạn sắp tới nếu thị trường phục hồi từ tháng 7.
Cũng theo ông Trương Đình Hòe dự báo, hết năm 2023 xuất khẩu tôm dừng lại ở mức 3 tỷ USD "đã là thành công". Con số này thấp hơn so với kế hoạch mà ngành hàng này đặt ra cho năm nay trên 4,3 tỷ USD.
Trong 6 tháng cuối năm nay, ngành tôm tập trung tiếp tục duy trì diện tích nuôi, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch. Cụ thể, sản lượng 6 tháng cuối năm 2023 đặt mục tiêu đạt 563.000 tấn.
Để đảm bảo sản lượng các tháng cuối năm, ngành tôm đã đề ra các giải pháp như: duy trì sản xuất, ổn định tâm lý người nuôi, không thu hoạch ồ ạt; hướng dẫn kỹ thuật phù hợp điều kiện, bối cảnh hiện tại theo hướng mật độ thả có thể giảm, cỡ thu hoạch lớn kết hợp các giải pháp giảm chi phí đầu vào; đồng thời tập trung các giải pháp cấp bách như: giảm các chi phí trung gian, thức ăn, vật tư đầu vào, giảm giá thành sản phẩm để duy trì sản xuất và đảm bảo kế hoạch của năm.
Để ngành tôm phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTN) cho hay cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.
Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuối sản xuất theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng muốn ngành tôm phát triển bền vững, trước tiên, phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Chỉ khi người dân đồng tình, ủng hộ và phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học, ngành tôm mới phát triển bền vững và gắn với việc bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần nghiên cứu thành lập hiệp hội ngành hàng tôm ở ĐBSCL với sự tham gia của 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) để có thể hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, cùng nhau phát triển.
Thời gian qua, ngành tôm hiện cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Biến đổi khí hậu, hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh; nguồn giống còn bị phụ thuộc nhiều, khó kiểm soát chất lượng; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; liên kết chuỗi sản xuất chưa chặt chẽ, hiệu quả…
Trúc Chi (t/h)