Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã phê duyệt 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG do 01 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo triển khai thực hiện các Chương trình. Thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 29/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 25/4/2023, thành viên BCĐTW thuộc NHNN được phân công chỉ đạo triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình MTQG tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Bình Phước, Tây Ninh.
Tại Bình Phước, theo thống kê của UBND tỉnh này, tính đến hết tháng 5/2023 tổng dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng trên 72.000 tỷ đồng. Doanh số cho vay xây dựng nông thôn mới của năm 2022 đạt khoảng gần 27.900 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn. Chỉ tính đến hết quý I/2023, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tại Bình Phước đã đạt khoảng 25.300 tỷ đồng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG, Ban Chỉ đạo của tỉnh căn cứ chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo trung ương và điều kiện thực tế của địa phương đã chủ động phối hợp triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của địa phương. Đồng thời chủ động xây dựng, rà soát để ban hành, sửa đổi, bổ sung để tổ chức thực hiện các chương trình phù hợp.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước
Tại tỉnh Tây Ninh, đến cuối tháng 6/2023 tổng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 38.585 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Theo đó, tổng doanh số cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2023 tại Tây Ninh đạt trên 220,8 tỷ đồng. Doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2023 đạt khoảng gần 1.315 tỷ đồng.
Quang cảnh buổi làm việc tại tỉnh Tây Ninh
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, nhìn chung, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn và xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Tây Ninh đã nhận diện được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. ông Trần Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho địa phương hoàn thành nhiều chỉ tiêu của các chương trình MTQG.
Đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và những hạn chế trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG.
Trưởng Đoàn kiểm tra Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị, UBND tỉnh Bình Phước, Tây Ninh theo dõi sát sao tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc để Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia có hướng xử lý kịp thời. Đặc biệt, tiếp tục giám sát chặt chẽ và tăng cường công tác giải ngân vốn theo đúng tiến độ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao những nỗ lực của Bình Phước và Tây Ninh trong việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Phó Thống đốc cho rằng các địa phương đều đã tập trung huy động các nguồn lực khá tốt cho các chương trình này, đồng thời phân bổ và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình khá hiệu quả.
Trong các năm còn lại của giai đoạn 2021-2025, Phó Thống đốc đề nghị tỉnh Bình Phước và Tây Ninh tiếp tục quán triệt mục tiêu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó rà soát, điều chỉnh các kế hoạch triển khai cụ thể tại các địa bàn cho phù hợp với thực tế.
Trong đó, tỉnh Bình Phước cần tập trung nâng cao hoạt động giải ngân nguồn vốn ngân sách dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia, làm rõ nét hơn trong các báo cáo về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong chăn nuôi, phát triển sản xuất, vận động phong trào thi đua giúp đỡ người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phía tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo triển khai, hướng dẫn của Trung ương liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia để kịp thời có văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành triển khai thực hiện. Song song đó, cần rà soát danh mục các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để điều chỉnh, quyết định kịp thời.
Riêng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, Phó Thống đốc đề nghị NHNN chi nhánh các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh tiếp tục chỉ đạo hệ thống các NHTM, Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn đẩy mạnh công tác huy động vốn để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng để hỗ trợ khách tiếp cận các khoản vay ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và NHNN, như giảm lãi vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn, giải ngân các chương trình tín dụng chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Để hỗ trợ hoạt động tín dụng trên địa bàn, Phó Thống đốc cũng đề nghị chính quyền các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các TCTD triển khai các chương trình, chính sách tín dụng góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục tạo điều kiện để các TCTD trên địa bàn mở rộng mạng lưới hoạt động, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhất là trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tăng cường thu xếp nguồn vốn từ ngân sách của địa phương để ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình mục tiêu quốc gia.
PV
Xem thêm: 908175VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www