Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 trong năm 2023. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.
Tổng mệnh giá phát hành tối đa 20.000 tỉ đồng. Mỗi trái phiếu có mệnh giá là 100 triệu đồng với kỳ hạn tối đa 5 năm.
Số lượng đợt phát hành dự kiến là 20 đợt, lãi suất cố định trong suốt thời hạn của trái phiếu tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư…
Các ngân hàng dự kiến huy động hàng chục ngàn tỉ đồng qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm nay. Ảnh: Bình An
Theo ACB, mục đích phát hành trái phiếu là phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Về giá cổ phiếu, kết thúc phiên giao dịch ngày 24-7, cổ phiếu ACB đang được giao dịch ở mức 22.050 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với phiên trước.
Hồi cuối tháng 6-2023, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng thông qua phương án chào bán và phát hành tối đa 26.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ. Đây cũng là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền trong năm nay.
Về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết tổng hợp dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban chứng khoán nhà nước, có 5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2.195 tỉ đồng được ghi nhận trong nửa đầu tháng 7-2023. Các đợt phát hành có kỳ hạn trung bình là 4,5 năm và lãi suất trung bình kỳ đầu 9,5%/năm. Có 45% giá trị phát hành được bảo đảm bằng tài sản là cổ phiếu.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 68.503 tỉ đồng và tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn đạt 121.790 tỉ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 61.767 tỉ đồng).