Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chia sẻ nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ - Nguồn: Đại sứ quán Mỹ cung cấp
Ngày 24-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gửi thông điệp đầy hy vọng vào triển vọng phát triển quan hệ giữa hai nước trong tương lai nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.
"10 năm sau khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, chúng ta đã xây dựng một mối quan hệ năng động, đạt được nhiều thành tựu và phát triển hơn từng ngày.
Hai quốc gia đang làm việc cùng nhau trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích chung là đem lại lợi ích cho người dân hai nước và các nước trong khu vực cũng như thế giới", ông Blinken mở đầu thông điệp bằng một lời tổng kết.
Hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực
Ngoại trưởng Mỹ cho biết hai nước đã cùng thúc đẩy cơ hội kinh tế bao trùm, thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) để dẫn đầu trong việc định hình nền kinh tế thế kỷ 21 trong các lĩnh vực như hạ tầng kỹ thuật số, chuỗi cung ứng có sức chống chịu tốt, thương mại công bằng và cơ sở hạ tầng.
"Chúng tôi đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy sự phát triển năng lượng bền vững và tăng cường hệ thống y tế cộng đồng", ông Blinken nêu.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định phát triển mối quan hệ giữa nhân dân hai nước là nền tảng của mối quan hệ. Điều này thể hiện thông qua việc tạo điều kiện cho học sinh, nhà nghiên cứu, doanh nhân và du khách đi lại giữa hai nước.
Ông cũng tái đề cập sự hợp tác trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thịnh vượng, an toàn, kết nối và có khả năng chống chịu.
Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh, ông Antony Blinken khẳng định đó là "sự tin tưởng và là nghĩa vụ" của Mỹ.
"Chúng ta cũng không quên việc khắc phục những vấn đề tồn lại sau chiến tranh, tiếp tục rà phá vật liệu nổ còn lại, xử lý ô nhiễm dioxin và nhiều điểm nóng về ô nhiễm, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh trong số những nỗ lực chung khác", ngoại trưởng Mỹ nói.
"Tôi mong đợi vào 10 năm tới"
Ông Blinken cũng không quên nhắc lại chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam hồi tháng 4-2023 với tư cách ngoại trưởng Mỹ, khẳng định "chuyến thăm nhằm chúc mừng những tiến bộ quan trọng mà cả hai nước đang cùng thực hiện", đồng thời nhằm "mở rộng và làm sâu sắc thêm sự hợp tác" giữa hai quốc gia.
Trong chuyến thăm nêu trên, ông Antony Blinken đã tham gia khởi công Đại sứ quán Mỹ mới tại Hà Nội - một biểu tượng cho mối quan hệ giữa hai nước.
"Khu phức hợp hiện đại bậc nhất này xứng đáng với tầm nhìn đầy tham vọng của chúng ta cho quan hệ đối tác giữa hai nước. Tôi rất cảm kích với việc người Việt Nam và Mỹ đã làm việc để hiện thực hóa tầm nhìn đó", ngoại trưởng Mỹ bày tỏ.
Kết thúc thông điệp, ông Antony Blinken khẳng định ông mong đợi vào triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia trong 10 năm tới.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Việt Nam và Mỹ còn nhiều dư địa hợp tác
Trong cuộc phỏng vấn với TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng đánh giá Việt Nam và Mỹ đã đạt được rất nhiều thành tựu hợp tác mà cách đây 28 năm ít ai hình dung được.
Theo ông Dũng, yếu tố bao trùm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước là sự phát triển của mối quan hệ hợp tác, đối tác này thực sự mang lại lợi ích chung, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vì hòa bình và phát triển của hai nước và của khu vực.
"Một yếu tố quan trọng nữa là cách hai nước ứng xử với nhau. Trước hết, đó là sự tôn trọng, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Tiếp theo là sự chân thành và thiện chí hợp tác, tìm kiếm sự hiểu biết để giải quyết những khác biệt, tính đến lợi ích chính đáng và hoàn cảnh cụ thể của mỗi bên trong nhận thức chung giữ quan hệ tổng thể ổn định, tích cực, cùng có lợi", ông Dũng nói.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định mối quan hệ Việt - Mỹ còn nhiều dư địa để hợp tác, trong đó mỗi lĩnh vực có những ưu tiên riêng.
Về chính trị - ngoại giao là củng cố, tăng cường hơn nữa hiểu biết lẫn nhau, trao đổi nhiều hơn nữa các chuyến thăm và giao lưu giữa hai nước ở tất cả các cấp, đặc biệt là các trao đổi, tiếp xúc cấp cao; phát huy và đi vào thực chất hơn nữa các cơ chế đối thoại hiện có.
Thứ hai, phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ theo hướng ổn định, bền vững, giảm thiểu những hành động phòng vệ thương mại; tập trung hơn cho hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Thứ ba, về giao lưu nhân dân, cần chú trọng thêm giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tập trung nhiều hơn nữa cho giáo dục, đào tạo theo định hướng đáp ứng nhu cầu nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam; thu hút thêm nhiều khách du lịch Mỹ đến Việt Nam; hỗ trợ để người Việt, người gốc Việt tại Mỹ thành đạt hơn, đóng góp nhiều hơn cho quan hệ của hai nước.
Thứ tư là đẩy nhanh hơn nữa hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường nguồn lực và tốc độ công việc vì thời gian càng trôi đi, điều kiện khắc phục càng thêm khó khăn.
Thứ năm là hai bên cần tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu, trước mắt là các vấn đề mới nổi như môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch…
28 năm sau khi Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher khánh thành đại sứ quán đầu tiên tại Hà Nội, một ngoại trưởng Mỹ nữa lại đến Việt Nam và lần này là để khởi công một trụ sở đại sứ quán mới.