Stanley Black & Decker đã xây dựng nhà máy trị giá 90 triệu USD ở bang Texas với mong muốn đánh bóng tên tuổi bằng cách sản xuất ra những dụng cụ cơ khí “made in USA” với hiệu suất cao chưa từng thấy.
Tuy nhiên, cuối cùng dây chuyền tự động của nhà máy lại rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Sản phẩm mà họ làm ra, những dụng cụ cầm tay dự định sẽ được sử dụng bởi hàng triệu người Mỹ, trở nên hiếm hoi đến nỗi giống như hàng sưu tầm. Tháng 3 vừa qua, 3,5 năm sau khi động thổ, Stanley thông báo đóng cửa và hiện đang rao bán cơ sở này.
Nhà máy của Stanley là ví dụ điển hình minh họa cho những khó khăn mà các công ty Mỹ đang gặp phải khi cố gắng mang hoạt động sản xuất trở lại quê nhà. Các chính sách hỗ trợ của chính phủ và nỗ lực rút ngắn chuỗi cung ứng đã tạo ra cơn sốt xây nhà máy. Vì chi phí nhân công ở Mỹ rất cao, tự động hóa là điều quan trọng nhất để các nhà máy có thể có lãi. Tuy nhiên, đó thực sự là 1 thách thức lớn.
Theo kế hoạch thì nhà máy của Stanley sẽ hiệu quả đến nỗi có chi phí ngang bằng với các nhà máy tương tự ở Trung Quốc. Nhưng cuối cùng nó đã biến thành thảm họa. Theo lãnh đạo công ty, đại dịch Covid và chuỗi cung ứng gián đoạn cùng với việc công nghệ không đem lại kết quả như mong muốn là những nguyên nhân khiến nhà máy đóng cửa.
Suốt 14 năm qua, công ty có trụ sở ở New Britain, Connecticut, đã giành nhiều công sức để tạo ra tăng trưởng. Stanley sáp nhập vào Black&Decker từ năm 2010 và mua lại mảng công cụ của Newell Brands năm 2017. Các thương vụ này giúp doanh thu tăng từ 3,7 tỷ USD trong năm 2009 lên gần 17 tỷ USD trong năm ngoái.
Trong đó Craftsman, bộ phận đóng góp hơn 1 tỷ USD doanh thu, đóng vai trò quan trọng. Trong suốt nhiều thập kỷ, đây vẫn là thương hiệu lá cờ đầu của Sears. Những chiếc cờ lê, mỏ lết và ổ cắm của Craftsman xuất hiện trong các hộ gia đình và garage sửa chữa trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Sears cắt giảm chi phí bằng cách chuyển dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc, có nhiều khách hàng phàn nàn rằng sản phẩm chất lượng đi xuống.
Năm 2017, Stanley mua lại Craftsman với giá 900 triệu USD trong thương vụ mà CEO lúc đó là James Loree nói là mang đến cơ hội “tái Mỹ hóa” thương hiệu này. Công ty bắt đầu sản xuất các công cụ tại nhà máy ở Mỹ, đóng gói chúng trong bao bì có logo màu đỏ, trắng, xanh nổi bật với dòng chữ “Made in the USA with Global Materials” (tạm dịch: Được làm ra ở Mỹ với các nguyên liệu toàn cầu).
Và nhà máy ở Fort Worth được khánh thành năm 2019 với mục tiêu làm ra các công cụ cơ khí chuẩn “made in USA”. Tự động hóa và các kỹ thuật cơ khí tiên tiến khác sẽ cho phép nhà máy cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Tháng 5/2019, các lãnh đạo công ty phát biểu trước các nhà đầu tư rằng nhà máy sẽ vận hành hết công suất trong 18 tháng nữa. Tuy nhiên một số cựu nhân viên cho rằng trong bối cảnh đại dịch thì mốc thời gian đó đồng nghĩa toàn bộ hệ thống sẽ không được kiểm tra kỹ càng.
Theo nguồn tin thân cận, trên thực tế đôi lúc sản phẩm làm ra bị biến dạng, trong khi để điều chỉnh dây chuyền đòi hỏi một số công cụ phải được gửi về từ nước ngoài. Thời gian chờ lên tới vài tuần lễ, và trong thời gian đó nhà máy chỉ có thể hoạt động ở mức một nửa công suất.
Các đối thủ của Stanley cho biết các nhà máy của họ ở Mỹ được tự động hóa một phần nhưng phần lớn vẫn phụ thuộc vào kỹ năng của công nhân. CEO Nick PinChuck của Snap-on cho biết năm 2010 các nhà máy của công ty ở Mỹ có 100 công nhân/1 robot. Ngày nay tỷ lệ giảm xuống còn 8/1 nhưng công ty chuyển dịch dần dần nên có thể xác định vị trí tối ưu nhất cho cả người và máy móc. Julie Sha, giáo sư ĐH MIT, cho rằng con người có những kinh nghiệm và độ linh hoạt mà máy móc không thể nào bắt kịp.
Cuối cùng thì những dụng cụ mang thương hiệu Craftsman vẫn được sản xuất ở châu Á. Lãnh đạo công ty cho biết đã mở nhà máy mới ở Mexico để phục vụ thị trường Bắc Mỹ, và Stanley vẫn đang có kế hoạch thu hẹp hoạt động sản xuất ở châu Á.
Theo chuyên gia phân tích Joe Ritchie của Goldman Sachs, việc nhà máy Fort Worth đóng cửa chỉ là vấn đề nhỏ với hoạt động chung của Stanley. Người tiêu dùng vẫn chấp nhận sản phẩm nếu chúng được sản xuất ở nước ngoài, trong khi nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào kế hoạch cắt giảm chi phí. Kể từ đầu năm đến nay cổ phiếu của hãng đã tăng khoảng 27%.
Dẫu vậy, một số người tiêu dùng vẫn cảm thấy thất vọng bởi Craftsman đã thất hứa. Mùa hè vừa qua, những sản phẩm “made in USA” bắt đầu xuất hiện trên kệ hàng của các nhà bán lẻ.
Eric Jacobi, 1 thợ mộc sinh sống ở Wisconsin, đã mua 2 bộ dụng cụ. Trong nhóm tập trung các fan của Craftsman trên Facebook mà Jacobi là admin, anh chia sẻ những dụng cụ này cứng cáp và sắc nét hơn loại được sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên vì một số vẫn có lỗi và hiện các sản phẩm này quá hiếm, anh lo ngại sử dụng chúng sẽ làm giảm giá trị về mặt sưu tầm. Do đó, Jacobi có ý định sẽ khóa hộp dụng cụ đó lại và “không bao giờ động đến”.
Tham khảo Wall Street Journal