Báo cáo của bộ cho thấy cả nước có trên 105.700 học sinh tiểu học bị đánh giá ở mức "chưa hoàn thành", chiếm gần 1,2%.
Đáng chú ý trong số này có 52.456 học sinh lớp 1. Như vậy so với trên 1,7 triệu học sinh lớp 1 được đánh giá, có gần 3% "chưa hoàn thành" chương trình. Đây là năm học thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1.
Lo tái mù chữ, "ngồi nhầm lớp"
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc đánh giá học sinh lớp 1, 2, 3 dựa vào thông tư 27, với bốn mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Riêng học sinh lớp 4 và 5 năm học 2023 - 2024 học chương trình cũ thì có ba mức đánh giá: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thể hiện đánh giá thực chất chất lượng giáo dục trên bình diện toàn quốc tuy nhiên cũng đem lại nhiều lo ngại, nhất là số lượng học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình, trong đó tỉ lệ chưa hoàn thành môn tiếng Việt cao nhất.
Trở lại thời điểm năm đầu thực hiện thay sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số chuyên gia dự báo áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới vẫn nặng và khó, có thể gây nên tình trạng tái mù chữ hoặc "ngồi nhầm lớp" ở bậc tiểu học sau 2 - 3 năm triển khai chương trình mới.
Tình trạng như dự đoán cũng từng xảy ra ở lần thay sách giáo khoa trước đây, khi việc thay sách triển khai năm 2002 thì năm 2006 là đỉnh điểm của tình trạng tái mù chữ, "ngồi nhầm lớp" ở bậc tiểu học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Tình trạng nguy cấp khi đó đã khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải có một loạt giải pháp "tăng cường dạy học tiếng Việt cho vùng khó khăn" bằng tài liệu dạy học tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại.
Sau này có hơn 40 địa phương sử dụng tài liệu này để dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 cho tới lần thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lý do không từ phía chương trình
Cũng theo báo cáo của bộ, tỉ lệ học sinh tiểu học chưa hoàn thành chương trình năm học 2022 - 2023 tập trung chủ yếu ở vùng "ba Tây".
Tỉ lệ chưa hoàn thành cao nhất ở Tây Nam Bộ, tiếp đến Tây Bắc và Tây Nguyên, miền Trung, Đông Nam Bộ. Thấp nhất ở Đồng bằng sông Hồng. Điều này cũng tương ứng với điều kiện dạy học của mỗi vùng, miền.
Ông Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định lý do học sinh "chưa hoàn thành" không xuất phát từ phía chương trình.
Theo ông Tài, khác với các năm trước, năm nay bộ yêu cầu các địa phương rà soát chặt chẽ hơn. Không chỉ đánh giá học sinh căn cứ vào yêu cầu của chương trình mà còn xác định mức độ ảnh hưởng bởi hai năm đại dịch COVID-19.
Vì thế, chất lượng giáo dục chưa ổn định không chỉ do điều kiện dạy học ở các vùng khó khăn, biên giới hải đảo mà ở một bộ phận học sinh tại các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19, những học sinh ở trong làn sóng di cư do dịch khiến việc học tập phải thay đổi liên tục.
Báo cáo của bộ cũng nêu hai năm dịch COVID-19 bùng phát, ngành giáo dục phải linh hoạt thực hiện "ngừng đến trường nhưng không ngừng việc dạy học". Tuy nhiên, ở các vùng sâu, vùng xa thì việc dạy học trực tuyến gặp khó khăn.
Khi dịch được đẩy lui, nhiều địa phương cũng chưa thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Trong khi điều kiện tốt nhất để triển khai chương trình mới cần dạy 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu dạy 9 buổi/tuần.
"Việc đánh giá thực chất và phân tích rõ nguyên nhân giúp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo có các định hướng về giải pháp khắc phục cho các địa phương.
Số học sinh được đánh giá "chưa hoàn thành" trong bảng số liệu thống kê của bộ không có nghĩa đó là số phải lưu ban mà chỉ chưa đạt mức yêu cầu của chương trình theo cách đánh giá mới.
Với những học sinh này, bộ yêu cầu các địa phương chỉ đạo các nhà trường tổ chức bồi dưỡng trong hè, tăng cường các giải pháp khác nhau trong năm học mới để hỗ trợ, kèm cặp cho học sinh đạt được yêu cầu đặt ra" - ông Thái Văn Tài chia sẻ.
Thêm nữa, báo cáo cũng chỉ ra "số lượng các trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông rất lớn, trải rộng khắp cả nước có vùng thuận lợi, khó khăn, đặc thù vùng dân tộc... dẫn đến một chủ trương đổi mới nhưng có nơi thực hiện rất thuận lợi, có nơi lại rất khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường".
Cũng chính vì chênh lệch về điều kiện như trên, theo các chuyên gia về giáo dục tiểu học, việc vận hành chương trình - tài liệu dạy học càng cần linh hoạt, dựa trên tính phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là bài học từ những lần đổi mới chương trình - sách giáo khoa trước đây.
Đủ giáo viên để dạy 2 buổi/ngày
Toàn quốc có hơn 404.000 giáo viên tiểu học, tỉ lệ trung bình giáo viên mỗi lớp là 1,41, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Các địa phương cũng ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để dạy học lớp 1, 2, 3 theo chương trình mới.
Khả quan ở "tốp trên"
Ông Thái Văn Tài cho rằng nhìn vào nhóm học sinh hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt chương trình thì có thể thấy rõ hơn những ưu điểm khi triển khai chương trình mới.
Cụ thể là học sinh tự tin, năng động hơn, được hoạt động nhiều hơn. Và đúng như tinh thần triển khai chương trình mới, không chỉ học sinh được ghi nhớ kiến thức mà qua chương trình phát triển phẩm chất và các năng lực cốt lõi.
Ngày 9-7, nhiều quận huyện tại TP.HCM cho biết đã bắt đầu nhận hồ sơ trực tiếp sau khi phụ huynh hoàn tất đăng ký tuyển sinh lớp 1 trực tuyến.