Gạo Việt Nam vốn được đánh giá là cung cấp ổn định nhất thế giới, dù sản lượng đứng thứ 2 hoặc thứ 3, trong khi Ấn Độ và Thái Lan là những quốc gia xuất khẩu lớn nhưng không ổn định. Trong thực tế, Việt Nam có vùng quy hoạch sản xuất lúa đến năm 2050 ổn định, nguồn giống cũng ổn định.
Từ đầu năm đến nay, giá lúa bán ra chưa bao giờ thấp hơn 6.000 đồng/kg và đang dao động ở mức trên 7.000 đồng/kg, người trồng lúa đang có lãi 100% bởi giá thành sản xuất lúa đang vào khoảng 3.000 - 3.100 đồng/kg. Đây là cơ hội vàng mới có được lợi nhuận như thế.
Nhiều người lo ngại xuất khẩu nhiều sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, tôi khẳng định là không cần phải lo. Nếu xét về quy mô từng tỉnh, chỉ có TP.HCM và Bình Dương là không tự túc được gạo, còn các địa phương khác đều có diện tích lúa thừa sức cung cấp lương thực cho người dân trên địa bàn.
VN cũng chỉ tiêu thụ khoảng 7 triệu tấn gạo mỗi năm (tương đương 70kg/người/năm). Ngoài ra, khoảng 3-4 triệu tấn gạo được dùng làm nguyên liệu sản xuất bia, rượu, cháo, phở... và dự trữ khoảng 2 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, bình quân mỗi năm VN sản xuất 22 triệu tấn gạo, tức là vẫn thừa gần 10 triệu tấn gạo. Do đó, chúng ta có thể cam kết với thế giới là luôn luôn có gạo để bán, đảm bảo nông dân sản xuất hàng hóa bán được.
VN xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo/năm, cao nhất là 10 triệu tấn gạo. Có thể nói việc thiếu lúa thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu sẽ không xảy ra. Vấn đề đáng lo ngại là không đảm bảo đủ nguồn vốn kịp thời để mua lúa gạo của bà con nông dân. Các doanh nghiệp lúa gạo cần sự hỗ trợ nhiều nhất là vốn để mua gạo.
Trong thực tế, các doanh nghiệp lúa gạo VN chủ yếu là nhỏ, các nhà máy xay xát lúa nhiều là 3.000 - 4.000 tấn lúa/ngày. Dù là doanh nghiệp tương đối lớn nhưng Lộc Trời, với năng lực xay xát ít nhất 10.000 tấn/ngày, cũng chỉ có vốn khoảng 800 tỉ đồng. Vay tín chấp không được mà phải vay thế chấp. Doanh nghiệp còn có nhà máy để vay, còn nông dân ít có gì để vay.
Do đó, theo tôi, Chính phủ nên xem sản xuất lúa gạo là một ngành riêng, có một "room" tín dụng riêng với khoảng 25.000 tỉ đồng/vụ để cho các doanh nghiệp vay vốn thu mua lúa gạo xuất khẩu, thay vì "room" tín dụng chung với các ngành bất động sản, thủy sản...
Chỉ khi có được "room" tín dụng riêng, ngành lúa gạo mới không rơi vào tình cảnh "đói" vốn trong việc thu mua lúa gạo cho bà con nông dân, nhất là vào mùa thu hoạch rộ.
Với nông dân làm lúa, nếu không liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lúa gạo thì sẽ không được các tổ chức tín dụng cho vay vốn. Đã có một số tổ chức tín dụng đi khảo sát, nhưng bà con không có liên kết với doanh nghiệp lúa gạo nào nên ngân hàng không dám cho vay.
Như vậy, nếu không liên kết, nông dân sẽ bị thiệt vì không sản xuất ổn định và không tiếp cận được vốn. Do đó, chính quyền các địa phương nên động viên nông dân liên kết sản xuất nhằm ổn định đầu ra, giá cả và đặc biệt là có thể tiếp cận được vốn tín dụng.
Chúng tôi cũng mong muốn các tỉnh thành ĐBSCL nạo vét kênh mương giúp doanh nghiệp vận chuyển lúa gạo thuận tiện hơn trong vụ đông xuân. Vì vụ đông xuân là vụ chính trong năm, số lượng lúa nhiều nhưng các kênh mương của ĐBSCL đã cạn nên doanh nghiệp phải thuê mướn và vận chuyển nhiều chuyến làm tăng chi phí rất lớn.
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trả lời Tuổi Trẻ về giá gạo, những tác động đến thị trường gạo cũng như cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam.