Khác với mọi năm, ngư dân dài cổ chờ cá hố vào biển gần bờ săn mồi (gọi là cá hố "ốp" bờ). Năm nay, cá hố khơi vào sớm.
Nghe ngóng tin từ những người câu giàn (giăng) nghề câu khơi: cá hố "ốp" vào dày, mấy anh em mê nghề câu cá tiêu khiển ở Phú Yên chúng tôi lục tục sắm chuyến để làm một đêm câu khơi.
Muốn săn cá hố "cụ" phải ra khơi xa
17h tàu xuất bến, chạy gần bốn giờ mới đến điểm câu. Neo tàu xong, chuẩn bị cần và mồi câu đâu đấy, gần giữa đêm chúng tôi bắt đầu săn cá hố "cụ".
Thường thì cá hố "ốp" vào gần bờ, nước cạn chỉ là cá nhỏ, mỗi con chừng 3-4 lạng, còn loại chúng tôi đang cố đi "săn" phải từ 1kg trở lên nên phải đi xa và đến chỗ nước sâu. Nhìn máy dò (sonar), thấy báo cách đáy biển 185m.
Vì xa và sâu vậy nên dân làm nghề câu ít ra tới điểm này, chỉ có mấy ông mê câu thích "trời hành" như chúng tôi mới liều ra xa bờ 15 - 18 hải lý thử xem sao.
Nhớ lại cách đây hơn 30 năm, chúng tôi cũng đã từng làm ngư dân thứ thiệt khi đi câu cá hố suốt nửa tháng mùa hè. Hồi đó có lẽ câu nhàn hơn bây giờ. Một chiếc ghe mê, máy nhỏ, đèn măng xông, câu tầm nước sâu 40 - 50m là giật nhừ cả tay.
Lúc đó cá nhiều, phương tiện đánh cá còn thô sơ nên cá "cụ" vẫn vào trong lộng. Dân câu khi đó chỉ sợ mỗi chuyện là lũ cá nạng "mang" neo (cá nạng vướng neo và kéo neo lẫn tàu đi xa).
Nếu bị vậy, người ngồi ở mũi ghe phải nhanh tay dứt neo để ghe khỏi bị chúng kéo ra ngoài khơi. Trời tháng 5, tháng 7, mùa gió nam cồ, ghe bị cá nạng "mang" chỉ có nước trôi luôn ra Thái Bình Dương, khó có đường về lại nhà...
Cũng vì ỷ lại mình đã có kinh nghiệm câu cá biển ngày trước nên chúng tôi rất tự tin: chuẩn bị mồi, cột thẻo sẵn sàng và "săn" thôi!
Ban đầu chúng tôi câu ở độ sâu 100m, rồi 120m... dần dần đến độ sâu 150m. Ở mực nước này, chúng tôi câu được con cá hố "cụ" đầu tiên nặng chừng hơn 1kg.
Tưởng chừng dò trúng "chớn" cá ăn, ai ngờ chờ gần 30 phút cá không cắn mồi, lại dò tiếp. Lần này dò ngược lên, đang quay câu, thu dây ngon trớn bỗng nhẹ hều... thôi rồi, chúng sớt mất "cả chì lẫn chài" với gần 90m dây PE.
Tôi vội kêu anh em: "Cá ăn ở độ sâu 120m rồi, mình lo cột thẻo, móc mồi... thả xuống 120m thôi!". Lần lượt mấy anh bạn đi cùng cũng tóm được cá hố "cụ" ở độ sâu này.
Nghề câu cũng lắm công phu
Tuy là loài bạo ăn song không phải lúc nào cá hố cũng ăn mạnh. Lúc chúng ăn bạo, cần thủ không cần phải chăm chút miếng mồi cho thẳng, cho đẹp, chỉ cần gặp là chúng đớp ngay. Nhưng đến lúc biếng ăn, chúng ngậm miếng mồi, khéo léo cắn nhẹ vừa tới lưỡi thì bỏ.
Lúc ấy phải tập trung, người câu mới biết cá đã ăn nhưng đừng mơ bắt được, chỉ có việc kéo câu lên và... móc mồi lại mà thôi.
Nếu không, mồi cụt ngủn, dù gặp lúc ăn mạnh, chúng cũng không bao giờ đụng tới mồi của bạn. Cần thủ phải liên tục dò tìm "chớn" cá ăn rồi lại lo cột thẻo, tóm lưỡi vì bị cá mang đứt, quên cả buồn ngủ.
Lại nói về lý do phải dò tìm mực nước cá ăn. Nếu như khi câu ngâm, cần thủ chỉ cần thả mồi đến đáy rồi kéo lên tầm 2-3m để tránh mắc vào rạn, thì câu cá hố không sướng như vậy đâu!
Cá hố là loài có tập tính ăn lửng (ăn lưng chừng nước) nên người câu phải hoạt động liên tục để dò tìm tầm nước chúng ăn.
Lúc thì chúng ăn sát đáy, lúc khác chúng lại nổi phều lên để ăn, rồi lại xuống sâu hơn chút... Nói chung, người câu phải liên tục thay đổi độ sâu của dây câu để dò tìm đúng nơi chúng ăn mồi.
Cũng vì cá ăn lửng, lại thêm bộ răng bén như dao lam, hai cái răng dưới nằm ngoài răng trên nên câu cá hố bị đứt thẻo là chuyện bình thường.
Cá hố không cố tình cắn dây câu như cá nóc mà chỉ cần răng chúng va vào dây câu thì thôi rồi. Ngồi tóm lại thẻo vừa nóng ruột vừa đau tay vì phải cột theo với dây mí (dây inox) cột kèm với lưỡi.
Tôi đang loay hoay cột thẻo thì nghe anh Đ. ngồi trước mũi la to: "Dô!" (vô mánh). Nhìn tới, thấy đầu cần câu của anh cong sát mặt nước, gặp hố "cụ" rồi! Nhìn anh lúc gồng mình, lúc thảnh thơi chiến đấu với "cụ" mà sốt cả ruột!
15 phút sau, cần thủ kéo thẳng lên ghe, đúng là cá hố "cụ" với bề ngang gần một gang tay. Lúc này mới biết anh câu sâu đến 175m. Cá đem được lên ghe chưa phải là xong, dân câu phải biết cách xử lý để chúng chết ngay; nếu để chúng sống, giãy văng vật lung tung, cần thủ mà đụng phải răng thì ít nhất cũng lãnh một vết thương sâu hoắm.
Đêm săn cá hố "cụ" kết thúc vào lúc 4h sáng, khi đường chân trời mùa hè xuất hiện những vệt sáng dần ửng vàng.
Thành quả của chuyến câu là "cụ" cá hố lớn nhất của anh Đ., còn mấy anh em chúng tôi chỉ săn được cá hố "trung niên" từ 1 - 1,5kg. Nhìn khay cá của mỗi người lóe sáng dưới ánh mặt trời ngày mới, ai cũng thấy thú vị. Mùa hè, biển yên, những chuyến ra khơi săn cá như vậy luôn quyến rũ những kẻ mê câu cá thể thao như chúng tôi.
Cháo cá hố tươi "ngọt lủng xoong"
Mải câu, chúng tôi quên cả đói, quên cả dự định nấu cháo cá hố tươi để lấy sức buông cần. Cháo cá hố là một món ăn riêng có của quê tôi.
Thịt cá hố ngọt lại lành nên đến mùa cá hố vào quán nhậu, kêu tô cháo cá hố, vừa ăn vừa nhậu, nhẩn nha nếm vị ngọt lừ của thịt cá, cộng với mùi ngò, hành, tiêu, ớt thì thôi rồi, ngon hết biết! Trên tàu, cá vừa câu lên, cần thủ nấu liền thì "ngọt lủng xoong".
Ngô Xuân Quỳnh dẫn khách xem tận mắt bộ bàn ghế giả cổ giá ngang ngửa căn chung cư ở Hà Nội. Điều đặc biệt là toàn bộ chân, vai, mặt, nan... của bộ bàn ghế được Quỳnh "săn" từ những khúc gỗ thoạt nhìn như "củi" ngoài chợ.