19 chuyên gia về bệnh phổi ở các nước châu Á gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam… đã đứng tên trong báo cáo kêu gọi tăng cường tầm soát ung thư phổi ở châu Á đăng trên tạp chí về ung thư lồng ngực số tháng 6-2023.
Theo các chuyên gia, các nước châu Á đang chịu gánh nặng ung thư phổi lớn nhất thế giới. Số ca tử vong do căn bệnh này có thể giảm xuống bằng cách tăng cường chẩn đoán sớm.
Trong các khuyến nghị được đưa ra, các chuyên gia đề xuất chuyển đổi từ chụp X-quang ngực truyền thống sang chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi liều thấp (Low-dose computed tomography).
Hiện nay, chụp CT phổi liều thấp là lựa chọn hàng đầu của các chuyên gia khi muốn phát hiện sớm ung thư phổi. Quy trình này sử dụng máy tính với tia X liều thấp để tạo ra một loạt hình ảnh, từ đó có thể phát hiện các bất thường ở phổi, bao gồm cả các khối u.
Một nghiên cứu lâm sàng tại Mỹ với hơn 50.000 người tham gia cho thấy tỉ lệ tử vong do ung thư phổi giảm 20% ở nhóm được sàng lọc với CT phổi liều thấp, so với nhóm sử dụng phương pháp chụp X-quang ngực truyền thống.
Theo các chuyên gia, người có các bất thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ và thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nên tầm soát bằng phương pháp CT phổi liều thấp mỗi năm một lần. Người hút thuốc lá nặng, có nguy cơ cao, nên thực hiện tầm soát hai lần một năm.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - chủ tịch Hội Phổi Việt Nam và là 1 trong 19 chuyên gia đứng tên trong báo cáo - cho biết: "Chìa khóa để giảm tỉ lệ tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam và châu Á là phát hiện và chẩn đoán sớm. Người hút từ 20 bao thuốc/năm trở lên hoặc người có gia đình có tiền sử mắc ung thư phổi, tuổi từ 50 đến 75 tuổi, nên khám sàng lọc để giảm rủi ro tử vong do ung thư phổi".
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu với bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở châu Á cao hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ.
Những người cần tầm soát ung thư phổi là nam, nữ từ 50 đến 80 tuổi hút thuốc lá từ 20 gói/năm.