Hiện các ngân hàng đều áp dụng công nghệ cho phép mở tài khoản trực tuyến (online) nên trên các diễn đàn, nhân viên ngân hàng rầm rộ rao tuyển cộng tác viên mở tài khoản ngân hàng rồi trả tiền hoa hồng cho người mở, mức trả từ 20.000-70.000 đồng/tài khoản và ứng dụng, tùy ngân hàng. Có người thành lập nhóm trên Zalo để quản lý lượng cộng tác viên, hứa giúp cộng tác viên kiếm được từ 500.000 - 1 triệu đồng/ngày.
Gia tăng tài khoản ảo
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM - phân tích, khi khách mở tài khoản ngân hàng, có chuyển tiền hoặc để tiền trong tài khoản thì tỉ lệ tiền gửi thanh toán không kỳ hạn ở các ngân hàng gia tăng. Đây là nguồn tiền rất có lợi cho ngân hàng.
Theo ông, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng cao, dư nợ tín dụng thấp, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng ngày càng thu hẹp thì tiền gửi không kỳ hạn là “phao cứu sinh” của các ngân hàng. Bên cạnh việc thúc đẩy mở tài khoản, các ngân hàng cũng đua nhau mời khách hàng mở thẻ với nhiều chương trình khuyến mãi hơn nên khách hàng được lợi. Tuy nhiên, chi phí của ngân hàng cũng tăng lên (gồm chi phí phát hành thẻ, chi phí giao nhận, chi phí tài nguyên đầu số của ngân hàng), lượng tài khoản “ảo” nhiều hơn, gây ra một số rủi ro về bảo mật của khách hàng và hệ thống an ninh ngân hàng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định số dư duy trì trong mỗi tài khoản của khách dù ít thì đó cũng là nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng. Tính đến hết quý III/2022, có tổng cộng khoảng 141 triệu tài khoản, tăng hơn 6% so với quý trước đó nhưng tổng số dư trên tài khoản là 915.000 tỉ đồng, giảm 71.000 tỉ đồng (khoảng 7,2%). Theo công bố của 28 ngân hàng, trong quý I/2023, họ nắm giữ 1,5 triệu tỉ đồng tiền gửi không kỳ hạn, giảm gần 11% so với quý trước.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm một phần do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hấp dẫn hơn, nhưng cũng do nhiều người mở tài khoản nhưng không dùng, lượng tài khoản “ảo” đang rất lớn.
Ông cảnh báo: “Một khách hàng mở nhiều tài khoản mà không biết quản lý, không dùng đến sẽ có 2 rủi ro: có thể bị hacker tấn công, lấy trộm thông tin; tốn nhiều chi phí duy trì tài khoản, đọng vốn trong tài khoản”. Việc người dân có tài khoản ngân hàng thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, thay vì áp chỉ tiêu cho nhân viên về lượng tài khoản, các ngân hàng nên tập trung vào chất lượng dịch vụ, tăng các chương trình khuyến mãi để khách hàng tự động mở tài khoản do thấy có lợi.
51 triệu tài khoản cần đối chiếu, “làm sạch” Chia sẻ trong ngày hội Không tiền mặt ngày 16/6, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, thời gian qua có tình trạng một người sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng trong khi chỉ sử dụng giao dịch 1-2 tài khoản. Từ đó dẫn đến phát sinh cho mượn, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng. Hiện có tới 51 triệu tài khoản cần đối chiếu làm sạch. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành ngân hàng đang tích cực triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch 25 triệu thông tin khách hàng tín dụng là tài khoản “rác” như tài khoản không giao dịch, mượn giấy căn cước công dân để làm thẻ và hiện tiếp tục rà soát làm sạch thêm 26 triệu hồ sơ khách hàng còn lại trong thời gian tới. Một số ngân hàng cũng đã bắt đầu thu phí những tài khoản mở nhưng không sử dụng. Chẳng hạn Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo kể từ ngày 15/7/2023, chính thức điều chỉnh thu phí duy trì tài khoản không hoạt động, được chuyển sang trạng thái “ngủ” và tạm dừng giao dịch do không phát sinh giao dịch tài chính trong thời gian từ 1 năm trở lên. Mức phí duy trì là 11.000 đồng/tài khoản. |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.7017941a-naohk-iat-om-hcahk-iom-aud-gnah-nagn/nv.moc.enilnounuhp.www