*Bài viết dựa trên chia sẻ của doanh nhân Grant Sabatier
Grant Sabatier là một doanh nhân người Mỹ kiêm tác giả cuốn sách Financial Freedom (Tạm dịch: Tự do tài chính). Từng chỉ sở hữu 2,26 USD (khoảng 53.000 đồng) trong tài khoản ngân hàng, anh đã trở thành triệu phú tự thân với khối tài sản 1,25 triệu USD chỉ sau 5 năm. Thậm chí, người đàn ông này còn nghỉ hưu ở tuổi 30.
Nghe có vẻ bất khả thi nhưng Sabatier nói rằng anh đã thành công và trở nên giàu có nhờ thực hiện chiến lược gồm 7 bước của mình.
Trong cuốn sách Financial Freedom, Sabatier viết: "Chiến lược này hiệu quả vì nó có thể tối ưu hóa tất cả yếu tố trong hệ thống tài chính của bạn. Mỗi bước được xây dựng dựa trên nền tảng của các bước trước đó. Nếu kiên trì theo mô hình này, tôi nghĩ bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bạn nghĩ”.
Ngoài ra, Sabatier cũng cho rằng mọi người có thể lựa chọn những bước phù hợp với mình trong số 7 bước để áp dụng mà vẫn đạt được kết quả tốt.
1. Ước tính con số cần có để đạt tự do tài chính
Theo Sabatier, bạn cần tìm ra “con số” phù hợp - số tiền cần thiết để đạt được tự do tài chính. “Nó có thể là số tiền giúp bạn thoát khỏi nợ nần hoặc số tiền đủ để bạn có thể nghỉ làm hai năm và đi du lịch khắp nhiều nơi. Hay thậm chí, đó là số tiền giúp bạn sống đến cuối đời mà không cần làm việc”, anh nhấn mạnh.
Bạn có thể xác định con số này bằng cách tính chi phí dự kiến hàng năm và nhân nó với 25 hoặc 30. Anh cũng cho rằng, nếu còn trẻ, mọi người nên dùng tiền để đầu tư thay vì tiết kiệm quá nhiều. Nhưng có một quy tắc cần chú ý đi kèm, đó là bạn cần có số tiền tiết kiệm ít nhất đủ cho cuộc sống từ 6-12 tháng để tránh một số biến cố hay bảo đảm các khoản tiền gốc đầu tư.
2. Tính toán giá trị tài sản ròng
Khi đã ước lượng được số tiền ở bước 1, tiếp theo bạn cần tính toán giá trị tài sản ròng của mình bằng cách cộng tài sản (tiền mặt, bất động sản, các khoản đầu tư,..) trừ đi những khoản nợ phải trả.
Hãy tính toán khoảng cách giữa tài sản ròng của bạn với con số cần có để đạt được tự do tài chính. Nếu tiếp tục tiết kiệm và đầu tư, giá trị tài sản ròng của bạn sẽ tăng lên và dần dần tiệm cận mục tiêu đã đề ra.
3. Thay đổi suy nghĩ về tiền bạc
Sabatier từng viết trong cuốn sách của mình rằng: “Nếu bạn cứ nghĩ về tiền bạc theo cách rập khuôn cũ thì bạn sẽ không kiếm được nhiều tiền như những gì bạn thực sự có thể làm”. Anh cho rằng, việc xây dựng nền tảng tài chính tốt hay làm giàu thường dựa trên 3 yếu tố, bao gồm thu nhập, tiết kiệm và chi phí.
“Vấn đề của hầu hết các lời khuyên về tài chính cá nhân là chỉ tập trung chủ yếu vào việc làm thế nào để giảm chi phí và tăng tiền tiết kiệm. Thực tế, muốn làm giàu nhanh chóng bạn cần tối ưu hóa cả 3 yếu tố trên. Và mặc dù chúng đều cần thiết nhưng việc tăng thu nhập sẽ hiệu quả hơn việc cắt giảm chi phí. Điều này giúp bạn có thêm nhiều tiền để tiết kiệm hoặc đầu tư”, anh chỉ ra.
4. Ngừng lập kế hoạch chi tiêu và tập trung vào những yếu tố có tác động lớn nhất đến khoản tiết kiệm của bạn
Mặc dù việc theo dõi chi tiêu cũng rất quan trọng nhưng bạn không nên dành quá nhiều thời gian cho hoạt động này. Bởi nó có thể xảy ra 2 tình huống: kìm hãm bạn khỏi việc tiết kiệm hay thậm chí là ngăn động lực kiếm tiền.
Thay vì cắt giảm các khoản chi tiêu nhỏ, bạn nên kiểm soát những khoản chi phí lớn nhất như nhà ở, phương tiện đi lại và thực phẩm. Việc này giúp tăng tỷ lệ tiết kiệm lên ít nhất 25%.
Một nghiên cứu cũng từng chỉ ra, trong vài năm gần đây, có nhiều triệu phú tự thân đã từ bỏ lập kế hoạch chi tiêu.
5. “Hack” từ công việc toàn thời gian
Sabatier khuyên mọi người nên tận dụng công việc toàn thời gian của mình một cách có chiến lược để tạo điều kiện kiếm nhiều tiền nhất có thể.
Anh cho rằng đây là điều cần thiết nếu muốn đạt được số tiền mục tiêu trong vài năm tới. Bạn có thể làm điều này bằng cách tối ưu hóa lợi ích của mình, như tận dụng quỹ hưu trí 401(k) hoặc chứng minh năng lực và đề xuất tăng lương. Điều này sẽ khả thi nếu bạn chăm chỉ và cho thấy kết quả tốt trong công việc.
Điều quan trọng không kém là thương lượng mức lương mong muốn. Nó có thể tạo ra khoản chênh lệch lên tới 1 triệu USD trong thu nhập trọn đời của mỗi người.
6. Đa dạng hóa thu nhập
Theo Sabatier, việc có nhiều nguồn thu nhập sẽ giúp bạn tăng cơ hội đầu tư. Những công việc tạo ra thu nhập thụ động là lựa chọn tối ưu. Chúng có thể là nguồn tiền tối thiểu để trang trải các chi phí hàng ngày của bạn - giúp bạn linh hoạt hơn và có khả năng đạt được sự độc lập tài chính nhanh chóng.
Sabatier đưa ví dụ về JP Livingston, người đã nghỉ hưu sớm ở tuổi 28 với khối tài sản lên tới 2 triệu USD và hơn 60.000 USD/năm nhờ kiếm thêm từ viết blog hay tiếp thị liên kết.
7. Đầu tư càng nhiều, càng sớm và thường xuyên
Sabatier khuyên mọi người nên tách biệt các mục tiêu đầu tư ngắn hạn và dài hạn, đồng thời đặt ra một con số cụ thể cho từng khoản trong từng khoảng thời gian nhất định. Anh cũng lưu ý mọi người nên đánh giá các khoản đầu tư thường xuyên để xem tốc độ tăng trưởng cũng như ước tính mình sẽ mất khoảng bao nhiêu năm để đạt được số tiền mà bản thân mong muốn.
Tham khảo Financial Review