Người cao tuổi cần khám, chẩn đoán theo nguyên lý lão khoa
Đây là chia sẻ của ông Lê Đình Thanh - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), khi người lớn tuổi thường mắc đa bệnh lý mà các bệnh lại ảnh hưởng đến nhau, tạo nên "vòng xoáy" bệnh lý. Với sự tác động giữa các bệnh, làm nặng thêm tình trạng bệnh, tăng tỉ lệ tàn phế và tử vong cho bệnh nhân.
Ông Thanh cho biết từ năm 2014, định hướng của bệnh viện là trở thành bệnh viện lão khoa toàn diện, bởi vì dân số thế giới vào thế kỷ 21 là dân số già.
Riêng tại Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ dân số già nhanh nhất thế giới. Đến năm 2038, nước ta sẽ có 25% dân số thuộc nhóm người cao tuổi.
Hiện tuổi thọ bình quân đầu người tại nước ta lên đến 73,6 tuổi. Theo ông Thanh, đây là con số chưa cao, nhưng so với thế hệ trước thì tuổi thọ này đã vượt bậc. Tuy nhiên việc chăm sóc, điều trị, định hướng để người cao tuổi có chất lượng cuộc sống tốt tại Việt Nam chưa đạt như mong muốn.
TP.HCM kiến nghị bổ sung thêm 302 loại thuốc cho các trạm y tế
Ngày 25-7, tin tức từ UBND TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi đến Bộ Y tế về việc kiến nghị mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương.
Cụ thể, trong những năm qua, các trung tâm y tế trên địa bàn đã nghiêm túc triển khai đấu thầu thuốc cho các trạm y tế, tuy nhiên kết quả cung ứng thuốc còn hạn chế. Nhiều nhà cung cấp không tham dự thầu khi số lượng mua sắm thuốc của mỗi trung tâm y tế còn nhỏ lẻ.
Trước thực trạng khó khăn trên, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP.HCM mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương đối với tất cả các thuốc được sử dụng tại trạm y tế và thuộc quyền lợi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương do Sở Y tế đề nghị gồm 129 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương. Đồng thời bổ sung thêm 302 thuốc tổng hợp từ dự trù nhu cầu của các trạm y tế, trung tâm y tế.
14 bác sĩ "chi viện" ra xã đảo Thạnh An
Tin tức trên được nêu trong kế hoạch thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn vừa được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký ban hành.
Kế hoạch cử nhân viên y tế đi luân phiên có thời hạn theo hình thức cử cá nhân hoặc theo nhóm chuyên môn. Nhân viên y tế sẽ thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 2 tháng, tối đa là 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn).
Nhân viên y tế cũng có thể được cử đi luân phiên có thời hạn theo nhiều đợt, ở nhiều nơi theo yêu cầu của tuyến dưới.
Mỗi đợt đi luân phiên theo nhu cầu công việc của nơi được cử đến cần bố trí người đến luân phiên làm việc 2 ngày/tuần, 1 tuần/tháng và được cộng dồn thời gian của các đợt để tính tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên.
Thời gian tối đa của mỗi đợt đi luân phiên này không quá 60 ngày/đợt.
Theo kế hoạch, trong năm 2023 TP.HCM đã và đang cử 14 bác sĩ từ 7 bệnh viện gồm Bệnh viện Nhân Ái, Y học cổ truyền, An Bình, Nhân dân 115, Đa khoa khu vực Củ Chi, Phạm Ngọc Thạch… chi viện cho xã đảo Thạnh An (Cần Giờ).
Ngoài ra, còn có 6 bác sĩ từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM được tăng cường cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, Bệnh viện huyện Nhà Bà và Phòng khám thuộc Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe TP.HCM. Các bác sĩ này sẽ thực hiện nhiệm vụ luân phiên từ 7-10 tháng.
Bệnh tay chân miệng ở TP.HCM tiếp tục tăng, cạn kiệt thuốc điều trị
Theo tin tức từ báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chiều 25-7, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tuần 29 (từ ngày 17 đến 23-7) tiếp tục tăng nhanh với 2.356 ca, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước (1.455 ca).
Tất cả quận, huyện trên địa bàn TP đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Cũng trong tuần này, TP ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, huyện Bình Chánh và quận 8.
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng tăng nhanh, nhiều ca bệnh nặng với 60 - 80% ca ở tỉnh khác chuyển đến nhưng các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM cho hay đang dần cạn kiệt thuốc hỗ trợ, điều trị tay chân miệng.
TP.HCM họp chống "cát tặc" vùng Cần Giờ
Tuần này, UBND TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh, giai đoạn 2019 - 2022 và triển khai đề án mới giai đoạn 2023 - 2026 tại huyện Cần Giờ.
Nhiều năm qua tại khu vực biển Cần Giờ và vùng biển TP.HCM giáp ranh với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang rất nhức nhối vấn nạn "cát tặc" lộng hành.
Do nhu cầu sử dụng cát quá lớn, nguồn thu hấp dẫn, trong khi quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở, nên dù triển khai nhiều giải pháp xử lý nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Hút cát quy mô, bất chấp thủ đoạn của "cát tặc" từ cửa sông đến đáy biển Cần Giờ đã khiến nhiều khúc sông trở nên tan hoang vì sạt lở, ngư dân lao đao vì tai nạn bất ngờ, nguồn lợi hải sản không còn...
Giá heo hơi nên ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg
Tin tức từ nhiều người nuôi phía Nam cho biết giá heo hơi bán ra đang phổ biến 58.000 - 60.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng so với hơn 1 tuần trước đó.
Việc giảm giá này được cho là do nhu cầu tiêu thụ giảm vì mưa bão, và nhiều bếp ăn tập thể hạn chế nhập thịt.
Theo đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-7, ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết dù giá heo hơi trên thị trường giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ giá bằng việc linh động áp dụng khuyến mãi thay vì giảm giá bán trực tiếp.
Tuy vậy, với giá thành chăn nuôi giảm nhẹ xuống còn 50.000 - 57.000 đồng/kg tùy trại, nhiều người nuôi hiện vẫn có lãi nếu nuôi đạt năng suất.
"Giá heo hơi tăng 10.000 đồng/kg sẽ đẩy giá thịt bán lẻ tăng 30.000 đồng/kg. Do đó, tính trên bình diện chung, việc tăng giá quá cao sẽ khiến ngành chăn nuôi mất ổn định, cung cầu mất cân đối sẽ khiến giá bán thay đổi liên tục.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát, các tháng tới giá heo hơi nên ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg sẽ tốt cho cả người nuôi và người tiêu dùng", ông Đoán phân tích.
Một số tin tức đáng chú ý: Giá mãng cầu xiêm tăng đột biến; Sở Y tế TP.HCM kiến nghị triển khai app Cổng 115; Lắp camera phạt xả rác kênh rạch...