Cổ phiếu VCB và TCB trở thành "nam châm" hút dòng tiền đầu tư, tuy nhiên sự phân hoá diễn ra đã khiến thị trường chưa thể bứt phá qua vùng cản 1.200 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, VN-Index tăng 5,18 điểm, tương đương 0,44% lên 1.195,9 điểm. Toàn sàn có 207 mã tăng, 250 mã giảm và 72 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,4 điểm, tương đương 0,17% lên 236,93 điểm. Toàn sàn có 82 mã tăng, 107 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,11 điểm về 88,58 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 12 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 22.932 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 20.148 tỷ đồng, giảm 1% so với phiên trước. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 7.918 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán VCBS: Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index có phần hụt hơi về cuối phiên và hình thành nến inverted hammer. Xét về khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI đang ở mức cao xấp xỉ 75 và liên tục hình thành đỉnh cho thấy thị trường đã dần xuất hiện những tín hiệu cảnh báo về việc điều chỉnh ngắn hạn. Bên cạnh đó, 2 chỉ báo ADX và DI + cũng đang có diễn biến tương tự khi dần suy yếu thể hiện lực cầu đã không còn mạnh mẽ và quyết liệt như những phiên trước.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì tỉ trọng danh mục, hạn chế giải ngân thêm và bám sát thị trường, đặc biệt ở vùng điểm kháng cự mạnh quanh 1.200 – 1.210 để có thể hiện thực hóa loại nhuận nếu áp lực bán bất ngờ xuất hiện trở lại.
Chứng khoán PSI: VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang tích luỹ trong các phiên tới, trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng quanh 1.200 điểm. Rủi ro ngắn hạn ở đây là nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh và nhiều cổ phiếu đang tăng vào vùng quá mua, nên áp lực chốt lời có thể tăng và thị trường có thể liên tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong phiên.
PSI khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỉ trọng cổ phiếu tại những nhịp phục tăng điểm từ thị trường trong bối cảnh nhằm thực hiện hóa lợi nhuận.
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index áp sát 1.200 điểm 2 lần trong phiên và đều bị lực chốt lời mạnh đẩy xuống và đóng cửa tại 1.195 cho thấy vùng 1.200 điểm là kháng cự quan trọng của thị trường. Chỉ số tiếp tục nằm trong vùng hợp lưu của 3 kháng cự mạnh và tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh. Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế thực hiện mua mới, giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải.
Tin vắn chứng khoán
- Cả Chủ tịch Fed và Jerome Powell và Chủ tịch ECB Christine Lagarde đều cảnh báo lạm phát vẫn còn quá cao và họ buộc phải tiếp tục nâng lãi suất. Các chuyên gia kinh tế cho rằng triển vọng lãi suất cho tới cuối năm 2023 vẫn còn chưa chắc chắn và phụ thuộc vào dữ liệu. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn đứng ngoài xu hướng nâng lãi suất. Hơn 80% chuyên gia dự báo BoJ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế dù lạm phát đã vượt mục tiêu 2%.
- Sự sụt giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế của hai "đầu tàu" trong khu vực là Pháp và Đức đã phần nào gây ra sự suy giảm tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh ở khu vực Eurozone nói chung.
Hoạt động kinh doanh ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng Bảy suy giảm mạnh hơn rất nhiều so với dự báo do nhu cầu đối với ngành dịch vụ then chốt của Eurozone suy giảm, trong khi sản lượng sản xuất cũng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực Eurozone, do ngân hàng Hamburg Commercial Bank (HCOB) của Đức phối hợp với S&P Global tổng hợp, giảm xuống mức 48,9 trong tháng Bảy so với mức 49,9 trong tháng Sáu.