Theo Business Insider, một nghiên cứu thực hiện ở Tây Ban Nha được đăng tải trên Sciencedirect chỉ ra rằng những người càng dành nhiều thời gian và tiền bạc để lái xe đi làm thì sức khỏe tinh thần càng xuống.
Thời gian lái xe càng lâu, thời gian ngủ càng ít. Do đó, tài xế dễ cảm thấy chán nản, căng thẳng, hay nói cách khác, sức khỏe tinh thần suy giảm rõ rệt.
Tương tự, càng chi nhiều tiền cho việc đi lại, họ càng mất ngủ và căng thẳng.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy những người lái xe đi làm có trình độ học vấn trung bình cao hơn, tỉ lệ kết hôn hoặc đang trong mối quan hệ cao hơn, và có khả năng bị thừa cân, béo phì hơn những nhóm còn lại.
Đây không phải nghiên cứu duy nhất khẳng định về tác động của việc đi làm đối với sức khỏe tinh thần.
Nghiên cứu của Đại học East Anglia, Norwich, Anh năm 2014 cho thấy những người đi làm bằng ô tô ở Anh có khả năng bị căng thẳng và khó tập trung hơn những người đi làm bằng cách thức khác tới 13%.
Một nghiên cứu của Liang Ma, nhà khoa học Trường RMIT, Melbourne, Úc năm 2019 chỉ ra những người lái xe đi làm thì làm việc kém hiệu quả hơn và những người đi làm xa hơn có xu hướng nghỉ nhiều hơn.
Nhiều nghiên cứu khác trên thế giới, như của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe thành phố Moriguchi Osaka (Nhật Bản) hay tạp chí Y Học Anh, cũng cho thấy những người lái xe đi làm có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường và béo phì cao hơn.
Nhà khoa học Robert Putnam, tác giả cuốn sách Bowling Alone về sự suy giảm của đời sống người Mỹ, cho biết thời gian đi làm dài hơn có liên quan trực tiếp với việc ít giao tiếp xã hội hơn và ít thấy hạnh phúc hơn.
Lý giải về điều này, nhà nghiên cứu Liang Ma cho biết những cảm xúc trên đường đi làm có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc trong ngày làm việc và hiệu suất công việc. Và thông thường, việc đi lại trên đường không mấy vui vẻ, chẳng hạn kẹt xe rất dễ khiến tài xế bực bội.
Rõ ràng, con đường đi làm đang trở thành cơn ác mộng với nhiều người. Nhưng không nhiều quốc gia có thể phân bổ ngân sách cụ thể cho việc đi xe đạp hay đi bộ như Hà Lan.
Trong số những người được khảo sát ở Tây Ban Nha, 77% đi xe cá nhân (ô tô hoặc xe máy), 7% sử dụng giao thông công cộng và 16% đi bộ hoặc xe đạp.
Đáng kinh ngạc, lái xe đi làm là hình thức tốn thời gian nhất và tốn kém nhất.
Cụ thể hơn, những người đi bằng xe cá nhân trung bình mất 54,8 phút mỗi ngày trên đường, chi tiêu trung bình 99,7 euro/tháng.
Những người sử dụng giao thông công cộng dành 44,2 phút mỗi ngày để đi lại và chi 59 euro/tháng. Còn những người đi bộ, xe đạp mất 39,3 phút mỗi ngày và 59,5 euro/tháng để đi lại.
Tuy nhiên, do chỉ được nghiên cứu ở châu Âu, kết quả này có thể không đúng với những quốc gia khác, nơi có hạ tầng giao thông khác nhau. Chẳng hạn, theo trang Insider, thời gian di chuyển trung bình bằng xe cá nhân của người Mỹ ít hơn so với đi làm bằng phương tiện công cộng.
“Nhiều người quan ngại sử dụng xe buýt làm phương tiện chính. Nhưng tôi thì không”, một độc giả chia sẻ.