Không có số nhà, không tên đường, phải loay hoay mãi chúng tôi mới tìm được vào nhà trọ của Hồ Thị Thùy Nga nằm ở tít sau bãi rác TP Đà Nẵng thuộc thôn 5, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Mẹ con dắt díu nhau đi ở trọ
Nhà trọ của Nga cùng mẹ và cha dượng nằm sâu trong con đường đất. Đó là khu dân cư của người lao động, trước mặt là mấy quả đồi, sau lưng là những đám ruộng của người dân. Dù thuộc thành phố nhưng những người sống ở đó không khác gì đang ở một làng quê nghèo.
Thấy có người lạ đến, mẹ Nga là bà Nguyễn Thị Thùy Trâm vội ẵm đứa trẻ mới vài tháng tuổi đang nằm thiu ngủ trên người mình đi vào trong gian nhà. Ngoài bậc thềm, Nga ngồi tay bó gối, đôi mắt buồn mênh mang.
Thầy giáo Lê Văn Phan - người trực tiếp bồi dưỡng môn lịch sử cho Nga trước kỳ thi tốt nghiệp THPT - nói rằng khi biết tin Nga đậu với hai điểm 10 gồm lịch sử và giáo dục công dân, bản thân ông hạnh phúc như chính con gái ruột của mình đậu đạt.
"Đi dạy nhiều năm nhưng hoàn cảnh cháu Nga quá tội nghiệp. Cha mẹ ly hôn, nhà lại có tới bốn chị em, mẹ đi bán bánh canh hằng ngày ở chợ nên Nga vừa đi học vừa thay mẹ chăm em. Thành tích của cháu là câu chuyện vượt lên mọi ngăn trở" - thầy Phan nói.
Thầy Phan kể với chúng tôi rằng thời gian kèm cặp cho Nga, hai thầy trò hầu như không thể liên lạc với nhau ngoài giờ lên lớp. Khi Nga về nhà, cô học trò này vùi đầu vào việc nhà cửa, chăm em. Hai mẹ con cũng dùng chung một chiếc điện thoại "ọp ẹp" nên muốn trao đổi bài vở với Nga thì phải gọi qua mẹ.
Hồ Thị Thùy Nga là một trong những học sinh của TP Đà Nẵng đạt thành tích cao trong kỳ thi vừa qua. Ba năm học cấp III, Nga học tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Các thầy cô giáo ở đây nói rằng chưa thấy Nga có mặt ở một buổi học thêm nào bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ngoài giờ học Nga phải phụ mẹ trông em.
Gia đình Nga trước đây có đầy đủ ba mẹ, sau Nga còn có hai em ruột đang còn nhỏ. Tuy nhiên cách đây mấy năm, ba mẹ Nga ly hôn, mẹ con dắt díu nhau đi ở trọ quanh Đà Nẵng. Lúc thì sâu trong con hẻm nhỏ ở đường Nam Cao, khi thì tận ngoài mép bờ biển. Cách đây mấy tháng, mẹ Nga sinh thêm một em nữa với người chồng mới nên cuộc sống đã khó lại càng khó.
3 năm không sắm quần áo
Gian nhà trọ của gia đình Nga rộng chừng 70m2, mái lợp lá tôn mỏng, mọi lối đi đều bị bít kín bởi từng bao quần áo cũ. Hai góc phòng tối bưng được quây lại dành để trải hai tấm chăn làm nệm ngủ. Những ngày cuối tháng 7, căn nhà hầm hập giữa cái nóng phả từ mái tôn xuống.
Bà Trâm nói khi lấy chồng mới, bà không muốn sinh thêm con nữa vì nuôi ba đứa con riêng của mình đã đủ cơ cực. "Nhưng anh chồng mới của tui lần đầu lập gia đình, ảnh cũng muốn có một đứa con nên tui phải ráng. Khi sinh con thì trúng thời điểm cháu Nga vào những ngày ôn thi lớp 12.
Một mình tui vừa chạy chợ, vừa lo cho ba cháu. Nga gần như không có thời gian rảnh rỗi, cứ hết giờ học là về ẵm em, cơm nước cho cả nhà thay mẹ. Cực vậy mà cháu học được như thế tui cũng rớt nước mắt" - bà Trâm kể.
Nga nói rằng vì hoàn cảnh đông em, quá khó khăn nên ba năm đi học không sắm bộ quần áo mới nào. Điện thoại cũng dùng chung với mẹ. Mấy hôm sau khi thi xong tốt nghiệp, có kết quả cao nên mẹ "thưởng" cho cái điện thoại lâu nay bà đang dùng. "Mẹ cháu ra mua cái điện thoại 'cục gạch' về nghe gọi, nhường điện thoại lâu nay để cho cháu dùng" - Nga nói.
Cô nữ sinh Đà Nẵng này nói rằng bản thân có niềm đam mê đặc biệt với môn lịch sử. Mấy năm học THPT Nga cũng đã từng đạt nhiều giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp thành phố.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Nga đạt hai điểm 10 gồm lịch sử và giáo dục công dân. Ngoài ra, môn địa lý cũng đạt điểm 9. Nga nói rằng tất cả kiến thức đều được mình bền bỉ học kỹ từ sách giáo khoa, các thầy cô giáo thương hoàn cảnh của Nga nên cũng tìm cách bồi dưỡng thêm.
Trong đó Nga nói rằng người thầy quyết định đến kết quả và niềm đam mê theo đuổi môn lịch sử của mình chính là thầy Lê Văn Phan (hiện đã được điều động về Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng).
Học sư phạm để không phải đóng học phí
Hồ Thị Thùy Nga quyết định chọn theo học ngành sư phạm lịch sử tại Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. "Em thích học ngành luật nhưng không thể đi xa vì nhà còn ba em nhỏ, học ngành ngoài sư phạm cũng phải đóng học phí nhiều mà mẹ thì không đủ sức. Em học ở gần nhà để vừa đỡ chi phí, vừa ẵm em phụ mẹ cho tới lúc các em lớn" - Nga nói.
Đạt tổng điểm thi tốt nghiệp cao nhất tỉnh Quảng Bình nhưng Nguyễn Hồng Ngọc, trú thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), băn khoăn trước việc đi học đại học.