Theo các tài liệu được công bố hôm 26-7, Bộ Giáo dục Mỹ đã mở một cuộc điều tra về quyền công dân trong chính sách tuyển sinh ưu tiên gia đình của cựu sinh viên và nhà tài trợ của Đại học Harvard danh tiếng, Hãng thông tấn AFP đưa tin.
Cuộc điều tra nhằm vào thông lệ “tuyển sinh kế thừa” được áp dụng bởi Đại học Harvard và nhiều đại học danh tiếng khác khắp nước Mỹ diễn ra chỉ một tháng sau quyết định cấm ưu tiên sắc tộc trong tuyển sinh đại học của Tòa án Tối cao Mỹ.
Tuyển sinh kế thừa
Các trường đại học cho rằng việc ưu tiên tuyển sinh con em của cựu sinh viên giúp xây dựng cảm nhận quý giá của lòng trung thành và thân thuộc, đồng thời cũng thúc đẩy cựu sinh viên dành thời gian và đóng góp tiền bạc có thể sử dụng cho mục đích học bổng.
Đại học Harvard đã đưa ra lập luận rằng các ứng viên được “tuyển sinh kế thừa” cũng có năng lực cao.
Cuộc điều tra của Bộ Giáo dục Mỹ nhắm vào các trường đại học này là phản hồi cho đơn khiếu nại đến từ ba tổ chức đại diện cho các sinh viên thiểu số.
Theo các tổ chức này, với lịch sử phần đông là sinh viên da trắng của Harvard, việc “tuyển sinh kế thừa” đối với gia đình của cựu sinh viên là hành vi phân biệt đối với các ứng viên thiểu số khác.
Trong đơn khiếu nại, các tổ chức đã chỉ ra rằng gần 70% ứng viên nộp đơn vào Harvard có mối liên hệ gia đình hoặc có liên quan đến các nhà tài trợ da trắng.
Harvard ưu tiên các ứng viên là vận động viên, hậu duệ hoặc họ hàng của các nhà tài trợ, và con em của các giảng viên hay nhân viên của trường.
Nhóm này chiếm ít hơn 5% số ứng viên mỗi năm, nhưng khoảng 30% trong số đó được nhận. Trong đó, có 67,8% số ứng viên thuộc nhóm này là người da trắng, báo New York Times dẫn tài liệu từ tòa án.
Khi được yêu cầu bình luận từ Hãng tin AFP, Đại học Harvard đã không nhắc trực tiếp đến cuộc điều tra của Bộ Giáo dục, thông tin rằng họ chỉ “đang trong quá trình xem xét về các khía cạnh trong các chính sách tuyển sinh của trường” sau quyết định của Tòa án Tối cao về “chính sách nâng đỡ” trong việc tuyển sinh liên quan đến sắc tộc.
Trước đó, Đại học Harvard và Đại học North Carolina đã bị kiện vì chính sách tuyển sinh liên quan đến sắc tộc, mà trên thực tế đã gây ra phân biệt đối xử với nhóm ứng viên Mỹ gốc Á nộp đơn vào hai trường này.
Con nhà giàu có lợi thế
Ngày 24-7, một nghiên cứu được dẫn dắt bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard và Đại học Brown được xuất bản, cho thấy các sinh viên nhà giàu có khả năng được nhận vào các trường ưu tú cao gấp đôi so với những sinh viên có thu nhập thấp hoặc trung bình, dù bằng điểm nhau trong các bài kiểm tra đầu vào tiêu chuẩn.
Nghiên cứu được thực hiện thông qua việc xem xét hàng trăm ngàn đơn đăng ký vào 12 tổ chức học thuật hàng đầu tại Mỹ, bao gồm 8 trường đại học trong nhóm Ivy League.
Về mặt lý thuyết, các bài kiểm tra như SAT hoặc ACT giúp tạo sân chơi công bằng cho các ứng viên. Tuy nhiên, khi phải lựa chọn giữa hai thí sinh có cùng điểm thi, các đại học thường có xu hướng chọn ứng viên là con em của cựu sinh viên, hoặc các ứng viên có khả năng thể thao.
Theo đó, các ứng viên có điều kiện từng học tại các trường tư thục được đánh giá cao hơn cho các tiêu chí phi học thuật, bao gồm các hoạt động ngoại khóa, nhiều thành tựu phi học thuật, và lời giới thiệu từ giáo viên.
Nghiên cứu cũng chỉ ra con em trong các gia đình thuộc top 1% giàu nhất có khả năng được nhận vào cao hơn 34% so với trung bình các ứng viên, và con em các gia đình thuộc 0,1% siêu giàu có khả năng được nhận cao hơn 220%.
TTCT - Tuyển sinh vào các đại học hàng đầu ở Mỹ đang thay đổi, không chỉ vì phán quyết mới nhất của Tòa Tối cao nước này.