Lợi nhuận quý II giảm mạnh
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 638 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 23% kế hoạch năm (2.826 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2022). Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là nợ xấu tăng dẫn tới Ngân hàng phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Bà Lê Thị Bích Phượng, quyền Tổng Giám đốc ABBank nhận định, ABBank và nhiều ngân hàng khác đang trong giai đoạn chịu tác động từ khó khăn chung của thị trường, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tình hình thực hiện kế hoạch năm 2023. Song ABBank vẫn kiên định với con đường, chiến lược đã chọn, tập trung thúc đẩy kinh doanh trên cơ sở đánh giá thực tế và quản trị rủi ro hiệu quả.
Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) trong quý II/2023 đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý I/2023 có kết quả tích cực, nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của BacABank tăng từ 0,55% lên 0,7%.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023, với lợi nhuận trước thuế 880 tỷ đồng và lũy kế nửa đầu năm là 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ngân hàng này mới hoàn thành 41% kế hoạch năm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.
Còn theo TPBank, năm 2023 được đánh giá là một năm khó khăn, nên Ngân hàng đưa ra kế hoạch phát triển thận trọng. Nửa đầu năm, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Con số này chưa đạt 50% so với lợi nhuận cả năm dự kiến là 8.700 tỷ đồng.
Nửa cuối năm có sáng hơn?
Tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2023 chỉ tăng 4,7%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 9,35% cùng kỳ năm 2022, do nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và cá nhân yếu đi trong bối cảnh lãi suất cao, đơn hàng suy giảm, các thị trường đầu tư tài sản không thuận lợi. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng cho các ngân hàng lên 14%, song dự báo tăng trưởng tín dụng khó đột biến trong nửa cuối năm.
Kết quả điều tra tháng 6/2023 của NHNN cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 12% trong năm 2023 do lãi suất cho vay ở mức cao và sức khỏe tài chính của khách hàng suy giảm. Việc tăng lãi suất huy động đã bắt đầu được phản ánh vào NIM, trong khi tín dụng tăng chậm lại, các khoản nợ chậm trả có xu hướng gia tăng.
Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm, VCBS dự báo, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023, tốc độ tăng chỉ đạt khoảng 10%. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng ước tính lợi nhuận trung bình của nhóm ngân hàng nghiên cứu chỉ tăng khoảng 12 - 15% trong năm 2023.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI ước tính kết quả kinh doanh của 32 doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết trong phạm vi nghiên cứu và trong những đơn vị ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm có khá nhiều ngân hàng. Trước đó, SSI ước tính có 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2023 so với cùng kỳ, bao gồm ACB, Techcombank, TPBank, VPBank.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, tín dụng tăng chậm, nhưng với sự hỗ trợ của NHNN và Chính phủ, kinh tế dự kiến hồi phục sẽ thúc đẩy cầu tín dụng quay trở lại. Nền lãi suất huy động giảm, NIM của ngành ngân hàng sẽ phục hồi dần vào nửa cuối năm nay, nhưng cả năm vẫn thấp hơn so với năm 2022./.
Xem thêm: lmth.25012000042210202-3202-ii-yuq-gnort-maig-ial-oab-gnah-nagn-ueihn/nv.semitaer