Thất nghiệp, đói khát
Nhiều người cứ ngỡ sau khi vượt biên sẽ có "việc nhẹ lương cao", có tiền gửi về cho gia đình. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì họ mộng tưởng. Cũng từ đây chuỗi ngày cơ cực bắt đầu ập đến. Họ được một người lạ mặt dẫn đến tá túc tại những phòng trọ tồi tàn, chật hẹp, yêu cầu nộp tiền để lo thủ tục, hứa hẹn bố trí nơi ở mới khang trang kèm việc nhẹ lương cao.
Mong muốn sớm có việc làm ổn định, nhiều người nhẹ dạ cả tin, dốc hết toàn bộ số tiền mang theo trao cho người lạ. Thế nhưng, sau khi lừa lấy được tiền, họ bị bỏ mặc nơi đất khách quê người.
Là người may mắn được quay về đoàn tụ với gia đình sau thời gian dài sống chui lủi, đói khát nơi xứ người, ông Ksor Hay, 63 tuổi, trú ở làng Plei Plok, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện vẫn còn ám ảnh.
Ông Ksor Hay kể, nghe theo lời “đường mật” của kẻ xấu, năm 2018, ông giấu gia đình lấy hơn 20 triệu đồng cùng một số người trong làng vượt biên trái phép sang Thái Lan.
Sau quãng đường dài trốn tránh cơ quan chức năng, mọi người đặt chân đến được Thái Lan. Trái với viễn cảnh nhà cao cửa rộng, việc nhẹ lương cao, họ bị đưa đến một nhà trọ chật hẹp, tồi tàn.
Ông Ksor Hay nhớ lại: “Tại đây, họ nói với chúng tôi đây là nơi tá túc tạm thời. Ai muốn nhanh chóng được chuyển đến nơi ở mới và nhận việc làm ngay thì phải đưa tiền để họ đi lo thủ tục. Tưởng thật tôi cùng nhiều người khác dốc hết toàn bộ số tiền mang theo người đưa cho họ.
Thế rồi, một ngày, một tuần trôi qua, không thấy hồi âm gì cả, lúc đó chúng tôi mới vỡ lẽ mình bị lừa. Kế tiếp sau đó là chuỗi ngày cùng cực, ngôn ngữ bất đồng, không xin được việc làm, đói khát, mỗi người đành đi một hướng để tự cứu lấy bản thân mình.
Tôi may mắn, xin được công việc làm phụ hồ, sống vật vờ qua ngày. Khổ nhất là những lần đêm hôm phải chạy trốn vì bị cơ quan chức năng truy quét, bởi mình nhập cư bất hợp pháp. Nói chung sống ngày nào hay ngày ấy, tôi may mắn hơn những người khác vẫn được quay về đoàn tụ với gia đình”.
Mới đây, ngày 27/3, tại thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, khi 5 gia đình (21 người) chuẩn bị lên 2 xe ô tô 16 chỗ tìm đường vượt biên sang Campuchia qua biên giới một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thì, bị lực lượng Công an tỉnh Gia Lai ngăn chặn, bắt giữ.
4 đối tượng gồm: Anhơl, Nên, Chrơch và Oih bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, riêng đối tượng Jrớt cho tại ngoại để tiếp tục điều tra. Hiện, Công an tỉnh đang tiếp tục xác minh, truy bắt các đối tượng liên quan.
Khai nhận tại cơ quan điều tra, đối tượng Nên hối hận nói: “Được cán bộ công an giải thích, tôi đã hiểu rõ ý đồ thâm độc của kẻ xấu, tôi biết hành vi vượt biên là sai trái. Giờ tôi rất hối hận! Tôi cũng lo lắng cho cuộc sống vợ con sau này, vì để chuẩn bị lộ phí, tôi đã bán đất, bán cà phê, xe máy, mang theo số tiền tiết kiệm của gia đình tổng cộng gần 90 triệu đồng. Tôi mong dân làng tha thứ và mong sớm được trở về gia đình”.
Cùng chồng thoát khỏi sự lừa đảo của các đối tượng, chị Rep (vợ Anhơl) chia sẻ: “Tôi cảm ơn chính quyền, lực lượng công an đã giải thích, giúp đỡ để chúng tôi quay trở về. Nếu đi nữa thì không biết sẽ sống như thế nào khi không có tiền, không quen biết ai. Từ nay về sau, gia đình tôi sẽ không nghe theo ai xúi giục, chỉ lo làm ăn ở buôn làng mình”.
Ra đi không ngày trở về
Với gia đình bà Kpă H’mif, SN 1971, trú tại xã Hbông, huyện Chư Sê, ngày chồng khăn gói ra đi, đó chính là lần cuối giáp mặt, bởi giờ đây âm dương cách biệt, chồng bỏ mạng nơi xứ người.
Theo bà H’mif, chồng bà đi Thái Lan vào năm 2018 cùng với một người hàng xóm. Từ ngày đi, chồng không một lần gọi điện về thông báo tình hình cho gia đình biết.
"Đến năm 2021, người hàng xóm trở về, mình có hỏi thông tin của chồng thì được biết vì đã lớn tuổi không có việc làm nên ông ấy không có tiền để về. 1 năm sau, mình bàng hoàng nhận được tin chồng đã mất vì bệnh tật", bà nhớ lại.
Cũng vì ôm giấc mộng đổi đời, tin vào cuộc sống giàu sang nơi đất khách, ông Rmah Hlông, SN 1952, trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, để lại người vợ mù, bán hết tài sản vượt biên trái phép sang Thái Lan.
Thế nhưng vì đã lớn tuổi lại không ai chăm sóc, sau thời gian đau ốm ông Hlông đã tử vong và được hỏa táng tại Thái Lan. Từ ngày chồng đi Thái Lan và tử vong bên đó, bà Kpuih H'thuel - vợ ông chỉ biết nương tựa vào cô con gái út. Tuy nhiên, cuộc sống của họ cũng không mấy khá giả.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê cho biết: “Những người dân tộc thiểu số trên địa bàn, ngay khi vượt biên trái phép sang Thái Lan đã vỡ lẽ, biết mình bị lừa nên gọi điện về cho gia đình, người thân. Những cuộc điện thoại ấy là nỗi niềm, dòng tâm sự về cuộc sống đầy rẫy khó khăn, vất vả nơi đất khách.
Thậm chí, nhiều người điện về cho cả chủ tịch xã nhờ khuyên đồng bào không nên lầm lỡ. Hiện tại, họ rất muốn được trở về quê nhà, thân nhân gia đình cũng đã làm đơn gửi chính quyền, công an giúp đỡ để họ được trở về. Tuy nhiên trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn...”.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Trưởng phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Gia Lai, cuộc sống của những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Thái Lan rất khó khăn.
Họ phải làm những công việc nặng nhọc như: phụ hồ, bốc vác, làm nông, tuy nhiên cũng không ổn định. Hơn thế, vì không biết tiếng địa phương nên dễ bị lừa tiền công lao động.
Vì là cư trú bất hợp pháp, không có giấy tờ pháp nhân nên họ thường xuyên bị lực lượng chức năng Thái Lan truy quét, bắt giữ. Ngoài ra, cũng không được hưởng các chế độ về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, sống vô gia cư, gây nên tâm lý tuyệt vọng.
Hiện, cơ quan chức năng vẫn luôn tuyên truyền, nhắc nhở, khuyên nhủ đồng bào tại đây không vượt biên trái phép, tránh nghe lời kẻ xấu xúi giục. Đồng thời, chú trọng công tác chăm lo, giúp đỡ các gia đình đồng bào dân tộc còn khó khăn.
Còn nữa...
Xem thêm: Thủ đoạn dụ dỗ "việc nhẹ lương cao"- Bài 1: Vỡ mộng về "miền đất hứa”