Gọi là "cuốn sách đặc biệt" bởi mấy năm trước, người cựu binh K quê Quảng Trị này bị một cơn đột quỵ. Ngỡ là bệnh tật sẽ quật anh vĩnh viễn, nhưng rồi bằng sự nhiệm mầu nào đó, trong hơn hai năm qua, chỉ bằng một ngón tay cái và chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng, anh đã "mổ cò" từng chữ cái một.
Rồi hàng vạn chữ cái ấy được gõ lại từ ký ức, gõ lại từ những trang nhật ký ố vàng từ hơn 40 năm trước để trở thành một cuốn sách dày dặn 300 trang với hơn 5 vạn từ mang tên Ký ức K.
Như anh tâm sự, cuốn sách Ký ức K được cần mẫn gõ bằng duy nhất ngón tay cái trên bàn phím cảm ứng chiếc điện thoại cũ kỹ suốt hơn hai năm chỉ để tri ân đồng đội mình, những người lính Việt đã ngã xuống bên ngoài Tổ quốc.
Đồng đội - có người thời đó là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 501 của anh, sau bao nhiêu năm trận mạc sau này trở thành thứ trưởng Bộ Quốc phòng như thượng tướng Trần Đơn. Nhưng cũng ở đơn vị anh, rất nhiều đồng đội đã nằm lại trong những cánh rừng già bí ẩn hoang dại của đất nước chùa tháp, rất nhiều đồng đội cho đến nay chưa thể tìm được hài cốt.
Từ đáy lòng của một người lính vừa cảm thấy may mắn được trở về sau cuộc chiến nhưng cũng mang nỗi niềm dường như có lỗi với những đồng đội đã hy sinh. Chính vì thế, để tri ân, để bạn bè cùng thế hệ không lãng quên, chỉ với một ngón tay và chiếc điện thoại cùng những cuốn nhật ký đời lính, ký ức một thế hệ, một thời đoạn đã được anh nỗ lực một cách phi thường để tái hiện.
Đó là sự tri ân của cựu chiến binh Trần Bình với đồng đội.
Trong những ngày tháng 7 này, nhất là hôm nay 27-7, Ngày Thương binh liệt sĩ, hàng triệu người Việt bằng cách này hay cách khác vẫn bày tỏ niềm tri ân với người ngã xuống theo cách của mình.
Trên trang của các cựu binh mặt trận chiến tranh biên giới phía Bắc, chúng tôi vẫn đọc thấy câu chuyện về những nhà bia đang được dựng lên dọc dài biên ải từ sự đóng góp của những người lính, người dân. Những nhà bia tưởng niệm ấy chính là sự tri ân.
Hàng vạn cựu binh và người thân đang về kín các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 trên đất Quảng Trị là một sự tri ân khác mà tôi được chứng kiến trong những ngày qua. Và đêm nay, trên dải đất chữ S này có những quầng sáng từ hàng triệu ngọn nến trên hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ được hắt lên trời đêm từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, ánh sáng ấy cũng là một niềm tri ân soi rọi vào tâm thức người còn sống.
Nhưng ý thức về sự tri ân không chỉ là những dòng chữ được viết ra để nhắc nhở không lãng quên những người đã ngã xuống cho Tổ quốc. Ý thức về sự tri ân không chỉ là những đèn hoa lung linh tưởng nhớ được thắp lên.
Sự tri ân lớn nhất với những người đã hy sinh không gì khác hơn là làm sao cho đất nước ngày càng mạnh giàu. Sự đáp đền lớn nhất với máu xương người ngã xuống là làm cho mỗi đời dân đều được hưởng trọn vẹn ấm no, công bằng và phẩm giá.
Trong chiến tranh, có một xóm nhỏ được đặt mật danh "Cây số 52". Đó là xóm Tân An (xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) - nơi có 52 gia đình thì đến 50 gia đình liệt sĩ quyết giữ làng, kháng chiến.