Anphabe, nhà cung cấp các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng ghi nhận Việt Nam không nằm ngoài xu hướng thế giới khi làn sóng sa thải ập đến và tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp.
Trong đó, các ngành công nghệ thông tin/phần mềm/thương mại điện tử (cắt giảm trung bình khoảng 25% nguồn nhân lực), ngành bất động sản (22%), ngành bảo hiểm (18%), điện tử/công nghệ cao (16%) và du lịch/ẩm thực/nghỉ dưỡng (16%).
Bị động cắt giảm đến chủ động tinh gọn
Anphabe phân tích từ tháng 9-2022 đến tháng 5-2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí. Đến nay, đã có khoảng 13% người đi làm tại Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của "cơn bão" sa thải, tập trung nhiều hơn ở cấp nhân viên và nhất là nhóm còn trong giai đoạn thử việc.
Bên cạnh làn sóng cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn duy trì mạch tuyển dụng và tiếp nhận sinh viên thực tập. CLIP: P.ĐIỀN |
Đáng chú ý, đối với nhóm công ty quyết định giữ nguyên hoặc sẽ cắt giảm nhân sự, biện pháp không tuyển thay thế đối với nhân viên tự nguyện nghỉ việc đang trở nên phổ biến. Chiến lược này được giới nhân sự gọi là “sa thải thầm lặng” để tránh gây xáo trộn lớn trong tổ chức mà vẫn giảm dần số lượng nhân sự xuống mức mong muốn.
Với các doanh nghiệp đã cắt giảm, hầu hết đều bị đặt trong thế bị động phải cắt giảm ngay để duy trì hoạt động do kinh doanh khó khăn, không đủ tiền để trả lương hoặc khủng hoảng kinh tế, không đủ việc cho nhân viên…
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy xu hướng giảm nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp đang dịch chuyển theo một hướng tích cực hơn, đó là chủ động tinh gọn thông qua việc tái cấu trúc để tối ưu và linh hoạt hơn, cũng như điều chỉnh trước để đối phó với các rủi ro tiềm ẩn từ khủng hoảng kinh tế…
Niềm tin của người đi làm Việt Nam sụt giảm mạnh
CEO Anphabe đánh giá, hệ lụy của "cơn bão" sa thải quét qua là ngay ở những công ty không cắt giảm nhân sự, các chỉ số về động lực và gắn kết của nhân viên vẫn giảm sút. Đáng lưu ý, đối với những doanh nghiệp đã hoặc sẽ cắt giảm, chỉ số này giảm xuống còn thấp hơn cả mức ghi nhận tại giai đoạn khủng hoảng COVID-19 năm 2020 - 2021.
Kết quá khảo sát của Anphabe cho thấy cứ 10 người mất việc thì 7 người kiếm được việc làm. Ảnh minh họa: P.ĐIỀN |
Đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại và cần được xem xét một cách cẩn thận, đặc biệt khi người lao động thời nay không chỉ nhạy cảm với các biến động trong doanh nghiệp mà còn nhạy cảm với các xáo động chung của thị trường.
Mặt khác, khảo sát ý kiến của người lao động Việt Nam đối với nhận định “Tôi tin vào tầm nhìn và chiến lược của công ty”, năm 2023 cũng cho thấy sự sụt giảm đáng báo động so với năm 2022. Tại những doanh nghiệp đã hoặc sẽ cắt giảm nhân lực, chỉ số này giảm chỉ còn 29%.
Thậm chí, nhóm các doanh nghiệp duy trì hoặc dự kiến gia tăng nhân lực cũng không thoát khỏi thực trạng này, khi chỉ có khoảng 50% nhân viên bày tỏ sự tin tưởng của mình vào tầm nhìn và chiến lược của công ty. Điều này thể hiện rõ thực tế "người ra đi thì bàng hoàng - kẻ ở lại thì hoang mang."
Hậu quả ‘đắt đỏ’
CEO Anphabe cũng cảnh báo nỗ lực cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp có thể ngay lập tức tiết kiệm tối đa chi phí. Tuy nhiên sau đó, họ có thể sẽ trả giá cho những mất mát lớn hơn về năng suất và lòng trung thành của nhân viên. Đặc biệt là nhóm nhân viên "sống sót", những người may mắn được giữ lại hậu sa thải. Chính sách không sa thải tức thời của doanh nghiệp, cũng đang khiến nhân viên thời nay dần chuyển sang trạng thái tạm hoãn tinh thần công việc, không cống hiến hết mình.
Vì vậy, việc cắt giảm nhân sự phải được thực hiện cẩn thận và tỉnh táo. Không nên chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn trước mắt mà ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
10 người sa thải, 7 người có việc làm mới
Khảo sát của Anphabe cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, dù nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, nhưng thị trường nhân lực Việt Nam vẫn rất sôi động và còn nhiều cơ hội.
Cụ thể, cứ 10 người bị cắt giảm, đã có 7 người tìm được công việc mới. Trong số 7 người này, chỉ có 1 người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn.
Tình trạng này chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bán hàng, marketing, tài chính, nghiên cứu & phát triển, với mức tăng lương trung bình là 8.7%. Điều này cho thấy rằng việc bị sa thải đôi khi cũng là cơ hội để nhiều người có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp.