Đây là kịch bản của soạn giả nổi tiếng Ngọc Linh. Hữu Quốc chính là người kết nối để giúp Ngọc Tiến liên lạc xin kịch bản từ gia đình của soạn giả.
Hữu Quốc: Người lính già quyết minh oan cho đồng đội
Bà Dương Thị Liên Chi, con gái cố soạn giả Ngọc Linh, cho biết đây là kịch bản mà ba bà rất tâm đắc. Kịch bản đã được một số đài truyền hình dàn dựng và phát sóng.
Còn NSND Kim Xuân đầy cảm xúc khi nhắc đến vở, vì bà đã từng được tham gia vở kịch khi NSƯT Thành Hội đạo diễn và thâu hình cho Đài truyền hình TP.HCM.
Vở diễn đầy ám ảnh người xem với nỗi đau của bà Năm Diệu. Chiến tranh đã cướp đi năm người con của bà. Hòa bình rồi mà tâm bà vẫn chưa an khi Thiện con trai đầu chết mất xác. Người ta nghi ngờ nên trong trận càn đó đồng đội đều được công nhận liệt sĩ, còn anh thì không.
Rồi một ngày có người lính già xuất hiện, đó là ông Tư Minh (Hữu Quốc đóng). Ông vốn là đồng đội của Thiện. Trong trận càn đó ông bị bắt và bị đánh tới liệt chân và quên quên nhớ nhớ.
Sau ngày thống nhất, bệnh hồi phục ông nhớ tới lời nhắn nhủ của Thiện và lên đường tìm kiếm gia đình anh. Bất ngờ vì oan trái của Thiện, ông quyết gõ cửa khắp nơi để đòi lại công bằng cho anh.
Chỉ xuất hiện một lớp ngắn thôi nhưng Hữu Quốc khiến người xem cảm tình với hình ảnh người cựu chiến binh khẳng khái, chân tình và cũng rất hài hước.
Hữu Quốc hỗ trợ đàn em làm vở tốt nghiệp
Võ Ngọc Tiến có người anh song sinh là Võ Ngọc Tân. Cả hai anh em từng tham diễn kịch ở nhóm Đời. Ngọc Tân thường xuyên xuất hiện ở sân khấu Nhà hát 5B và các chương trình game show do Hữu Quốc dàn dựng.
Lần này Ngọc Tiến làm vở tốt nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đàn anh Hữu Quốc. Hữu Quốc không chỉ vào vai cựu binh mà còn sáng tác ca khúc chủ đề Mẹ nhớ (do ca sĩ Quốc Đại thể hiện) cho vở diễn, anh còn giúp một số khâu hậu cần cho vở.
Không chỉ có Hữu Quốc, vở còn có sự góp mặt của Tô Thiên Kiều trong vai bà Năm. Đây là vai diễn cực kỳ nặng về tâm lý.
Suốt chiều dài vở diễn là hình ảnh năm đứa con lần lượt về trong đêm, từ đó hé lộ cho người mẹ lý do họ ra đi. Sự ra đi nào cũng xé ruột, dù là đứa con theo cách mạng hay lạc lối phía bên kia.
Diễn xuất đầy cảm xúc của Tô Thiên Kiều đã khiến khán giả nhiều lần phải nghẹn ngào vì mất mát mà chiến tranh đã gây ra.
Ngọc Tiến chia sẻ khi làm vở kịch về đề tài cách mạng anh rất áp lực, vì sợ bị người ta nói năng lực yếu nên dựng vở cách mạng để "lấy điểm" về tư tưởng.
Tiến bộc bạch anh thích kịch bản vì dù nói về chiến tranh nhưng anh đọc được những tâm tình của ngày hôm nay.
Anh nói: "Có thể mọi người sẽ thấy tôi còn non nớt nhưng tôi muốn thử sức mình, làm về chiến tranh, về nỗi đau của những phận người theo cách nhìn của người trẻ hôm nay".
Và cách của Tiến là trang trí với những bục bệ hình khối, sử dụng múa đương đại, những "xen" gần với điện ảnh. Và sân khấu quay đã hỗ trợ anh đắc lực để liên tục đan xen giữa quá khứ và hiện tại.
Những thủ pháp của Tiến có chinh phục được người xem hay không thì cần phải bàn thêm. Thế nhưng ít nhiều anh cũng đã mạnh dạn thể hiện cách làm của người trẻ để hy vọng đem lại sắc thái mới cho kịch về chiến tranh.
TTO - Lần đầu tiên, những nhân vật của tiểu thuyết 'Nỗi buồn chiến tranh' nổi tiếng của nhà văn Bảo Ninh bước lên sàn kịch, có thêm một đời sống mới bên ngoài trang sách.