Bộ GTVT vừa có tờ trình số 7967/TTr - BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Hai nội dung điều chỉnh
Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua, Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc trục ngang Đồng bằng sông Cửu Long.
Được biết, trên cơ sở kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Bộ GTVT đã giao các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tác động của khoản vay do điều chỉnh chủ trương đầu tư, phối hợp với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim) để có ý kiến về việc bổ sung vốn vay Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện Dự án.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2203/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 với tổng chiều dài hơn 27 km, quy mô 4 làn xe hạn chế đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.
Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng, trong đó vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF thông qua Ngân hàng XNK Hàn Quốc - Kexim dự kiến khoảng 3.677,22 tỷ đồng (tương đương 158,80 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.
Vốn đối ứng dự kiến khoảng 1.093,53 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: Chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.
Dự án được chia thành 2 dự án thành phần do Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài 16 km qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và dự án thành phần 2 dài hơn 11 km đi qua địa phận Đồng Tháp và Tiền Giang. Ở giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 17 m.
Tại tờ trình số 7967, Bộ GTVT kiến nghị phê duyệt điều chỉnh khoản 9, Điều 1, Quyết định số 2203/QĐ-TTg. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.209,77 tỷ đồng, tăng khoảng 1.439 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Cơ cấu nguồn vốn Dự án cũng có sự thay đổi đáng kể, trong đó vốn vay ODA của EDCF khoảng 4.462,47 tỷ đồng (tương đương 188,12 triệu USD) được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.
Vốn đối ứng khoảng 1.747,30 tỷ đồng được sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: Chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư; chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.
Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 2203/QĐ-TTg về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Bốn nguyên nhân tăng vốn
Việc đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 nhằm phát huy hiệu quả Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Theo Bộ GTVT, có 4 nguyên nhân khiến Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Nguyên nhân đầu tiên là việc chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng do được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế.
Tại bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thực hiện công tác khảo sát, chỉ tính toán các số liệu dựa trên bản đồ số. Bước nghiên cứu khả thi đã phối hợp với địa phương thực hiện khảo sát chi tiết, rà soát diện tích từng loại đất theo thực tế, bổ sung một số hạng mục công việc như di dời đường điện cao thế, trung thế…và cập nhật đơn giá mới.
Nguyên nhân thứ hai là chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng và đơn giá, định mức.
Nguyên nhân thứ ba là chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng do được tính toán theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng (tính theo định mức, tạm tính). Ngoài ra điều chỉnh chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu (chuyển sang sử dụng vốn đối ứng, tính theo định mức, tạm tính); chi phí giám sát thi công sử dụng vốn ODA.
Nguyên nhân thứ tư là chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng. Chi phí dự phòng tính bằng 16,97%, trong đó dự phòng khối lượng giữ nguyên tỷ lệ 10% so với Bước nghiên cứu tiền khả thi, dự phòng trượt giá tính toán theo quy định là 6,97% (tăng so với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là 5%).
Được biết, theo Quyết định số 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu (không gồm thuế VAT) sử dụng vốn ODA của EDCF và tuyển chọn tư vấn nước ngoài thực hiện theo thông lệ của Nhà tài trợ.
Hiện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề xuất điều chỉnh sử dụng vốn đối ứng và lựa chọn nhà thầu trong nước để thực hiện công tác này.
Việc sử dụng nhà thầu trong nước sẽ rút ngắn được tiến độ triển khai khoảng 10-12 tháng. Kexim cũng đã thống nhất phương án tư vấn trong nước thực hiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, hỗ trợ đấu thầu; phía Hàn Quốc sẽ lựa chọn tư vấn Hàn Quốc thực hiện rà soát, thẩm tra độc lập thiết kế kỹ thuật và dự toán thông qua khoản tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc (không tính vào giá trị khoản vay).
“Việc sử dụng vốn đối ứng và lựa chọn tư vấn trong nước thực hiện dịch vụ dẫn tới cơ cấu nguồn vốn của tổng mức đầu tư thay đổi so với Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án”, Bộ GTVT thông tin.