Với khoảng 60 - 80% ca bệnh từ các tỉnh chuyển đến, trong khi lượng thuốc tồn ở các bệnh viện TP.HCM đến cuối tháng 7 chỉ còn hơn 1.000 lọ (IVIG).
Không còn cách nào khác, các bệnh viện tại TP.HCM đang phải tìm cách "ăn đong" (sử dụng tiết kiệm, điều chỉnh chỉ định, số liều) với số thuốc hiện có, trong khi nguồn cung nếu có cũng rất hạn chế.
Phải điều chỉnh chỉ định
Trong công văn báo cáo Bộ Y tế về tình hình dịch tay chân miệng ở TP.HCM, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng khẳng định tuy đã chuẩn bị nhưng cơ số thuốc dự trữ dự kiến không còn đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh. Đặc biệt là việc TP.HCM luôn phải tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến (60 - 80% tổng số ca).
Điều này kéo theo số lượng thuốc IVIG sử dụng tăng lên đến xấp xỉ 200 lọ/ngày, trong khi trước đây chỉ từ 80 - 150 lọ/ngày.
"Dự kiến cuối tháng 8-2023 mới có đợt thuốc IVIC nhập khẩu tiếp theo nhưng số lượng hạn chế. Nếu số bệnh nhi nặng vẫn không giảm, chắc chắn từ cuối tháng 7 này TP.HCM có nguy cơ thiếu IVIG", ông Thượng báo cáo.
Bối cảnh này, theo ông Thượng, ngành y tế TP.HCM buộc phải có chính sách điều chỉnh thuốc. Các chuyên gia đã họp bàn và đồng thuận điều chỉnh chỉ định.
Cụ thể, thuốc IVIG được chỉ định liều 1 với nhóm bệnh nhân tay chân miệng độ 2b nhóm 2, độ 3 hoặc độ 4 và liều 2 được chỉ định khi người bệnh chuyển độ nặng hơn hoặc triệu chứng của độ 3 chưa cải thiện. Đây được coi là giải pháp "ăn đong" thuốc bất khả kháng vào lúc này.
Theo khảo sát, những ngày qua các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận rất đông bệnh nhi mắc tay chân miệng. Trong số này có nhiều ca bệnh nặng nhưng thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị lại hết hoặc đang dần cạn kiệt.
Ngày 27-7, Bệnh viện Nhi đồng 2 còn khoảng 400 lọ IVIG. Bác sĩ Nguyễn Đình Quy - trưởng khoa nhiễm - nói vẫn đáp ứng đủ điều trị nhưng chỉ đến giữa tháng 8. Còn thuốc Phenobarbital dạng truyền tĩnh mạch đã hết hơn một năm nay.
Hiện bệnh viện phải dùng thuốc này dạng viên uống hoặc thuốc thay thế. Trong khi đó, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện vẫn đang tăng "thẳng đứng", trong đó ca nặng chiếm 20%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Còn Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở thêm một lầu (trên khoa nhiễm - thần kinh) để ứng phó số ca nhập viện tăng nhanh cao.
PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - trưởng khoa hồi sức nhiễm - cho biết dù số trẻ mắc tay chân miệng nặng phải đặt nội khí quản nhiều nhất hơn 10 năm qua, nhưng hiện khoa chưa nhận được thông báo khi nào có thuốc Phenobarbital dạng truyền tĩnh mạch, chỉ còn Phenobarbital dạng uống. Còn với thuốc IVIG hiện tại có đủ để dùng nhưng cơ số thuốc dự trù dự báo sẽ hết vào cuối tháng 7 này.
Với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, TS Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc bệnh viện - cho hay đã mở thêm một khoa nhi (tổng cộng 2 khoa nhi) để đáp ứng số trẻ nhập viện tay chân miệng tăng. Bệnh viện đang cố gắng liên hệ nhiều nguồn để có thuốc điều trị.
Kiến nghị "chia lửa"
Với thực tế số trẻ mắc tay chân miệng nặng cần đặt nội khí quản nhiều nhất hơn 10 năm qua, PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên nói khoa bắt buộc phải điều chỉnh liều lượng thuốc và rất thận trọng khi chỉ định.
Theo đó, với những trẻ nặng diễn tiến, chỉ định dùng 2 liều, còn đa phần các trẻ sẽ chỉ định 1 liều và theo dõi chặt chẽ. Nếu trẻ diễn tiến không thuận lợi mới dùng liều thứ 2, còn diễn tiến thuận lợi chỉ dùng 1 liều.
"Chúng tôi buộc phải có những phương án để thích ứng với tình hình, nhưng phải luôn theo nguyên tắc là những cháu nào diễn tiến không thuận lợi, cần dùng liều thứ 2 thì chúng tôi vẫn chỉ định cho dùng liều thứ 2", PGS Nguyên chia sẻ.
Trước tình hình cấp bách này, giám đốc Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn kiến nghị bộ trưởng Bộ Y tế cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng.
Trong đó, kiến nghị Cục Quản lý dược sớm phê duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG nếu có, đồng thời Bộ Y tế sớm có chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng cho các tỉnh phía Nam.
Ngoài ra, giám đốc Sở Y tế TP.HCM còn kiến nghị Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyến cuối của một số tỉnh/thành phố có năng lực như Bệnh viện Sản nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai... "chia lửa" cùng TP.HCM, tiếp nhận điều trị người bệnh của các tỉnh lân cận nhằm đảm bảo các ca bệnh nặng được điều trị sớm và công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả.
Nhập khẩu nhưng còn nhỏ giọt
Về nguồn cung thuốc điều trị trên thị trường hiện nay ra sao?
Đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 cho biết công ty mới được phê duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG từ Cục Quản lý dược, đồng thời vừa gửi đơn hàng cho nhà sản xuất ở Ấn Độ để có thể đưa thuốc sớm về.
"Hiện công ty đang chờ thông tin từ nhà sản xuất này, dự kiến khoảng 1 - 2 tuần nữa 3.000 lọ thuốc này sẽ được đưa về Việt Nam", đại diện công ty này nói.
Trong khi đó, theo Cục Quản lý dược, hiện nay có 13 thuốc IVIG được cấp giấy phép đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Các loại thuốc này được sản xuất tại Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Đức, Bỉ, Áo.
Có một thuốc Phenobarbital do Công ty dược phẩm Danapha sản xuất được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Cục cũng cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt.
Bộ Y tế đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch và khẩn trương tập trung chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược nỗ lực tìm kiếm nguồn cung và khẩn trương nhập khẩu thuốc IVIG về Việt Nam sớm nhất để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị.
Theo kế hoạch, cuối tháng 7 có 5.000 - 6.000 lọ IVIG 5% được cung ứng cho Việt Nam. Giữa tháng 8, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng 2.000 lọ IVIG loại 25ml. Tuy nhiên, với số lượng cung ứng nhỏ giọt, nhiều bệnh viện phải "ăn đong", hay thay thế bằng các phương pháp điều trị khác cho bệnh nhân.
Trước đó, lý giải về tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng, đại diện Cục Quản lý dược cho hay IVIG là thuốc sinh phẩm, được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đặc biệt là huyết tương trong máu người. Do đó, việc sản xuất thuốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng nguyên liệu.
Ngay từ cuối tháng 12-2022, Bộ Y tế đã sớm có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu thuốc phải chủ động dự trù, đặt hàng và mua sắm thuốc theo đúng quy định, đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho điều trị. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở đã chủ động thực hiện dự trù, mua sắm thuốc thì vẫn còn một số cơ sở chưa thực sự chủ động.
Ngoài ra, tình hình bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến khá phức tạp, các ca bệnh nặng tăng cao so với các năm trước nên nhu cầu sử dụng thuốc Immunoglobulin tăng đột biến.
Chỉ dùng thuốc cho những ca thật nặng
Tình trạng "ăn đong" thuốc trị tay chân miệng cũng diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng TP khi chỉ còn khoảng 100 lọ IVIG và Pentaglobine.
Thuốc Phenobarbital dạng uống đang dần cạn kiệt, trong khi thuốc Phenobarbital dạng truyền tĩnh mạch đã hết. Trước cơ số thuốc này, lãnh đạo bệnh viện đưa ra khuyến cáo cho các bác sĩ phải sử dụng tiết kiệm bằng cách chỉ sử dụng cho những ca tay chân miệng thật nặng.
Ngoài ra, bệnh viện phải "chữa cháy" bằng thuốc Pentaglobine thay thế, tuy vậy theo các bác sĩ, loại thuốc này giá thành rất mắc nên cũng phải sử dụng tiết kiệm.
"Một số bệnh viện sử dụng thuốc an thần thay thế Phenobarbital nhưng không hiệu quả bởi tác dụng an thần ngắn, chỉ kéo dài 1 - 2 giờ, chưa kể có nhiều tác dụng phụ như tụt huyết áp, rối loạn tri giác.
Trong khi nếu có Phenobarbital, tác dụng an thần kéo dài từ 12 - 24 giờ, ít tác dụng phụ nên rất cần thiết cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng", một bác sĩ phân tích.
Enterovirus 71 nguy hiểm ra sao?
Enterovirus 71 (EV71) là chủng vi rút có độc lực cao, bệnh diễn tiến nặng và có thể gây tử vong. Đây cũng chính là "thủ phạm" gây ra các vụ dịch bệnh tay chân miệng lớn vào các năm 2011 và 2018 làm hàng trăm trẻ trên cả nước tử vong.
Cụ thể năm 2011, có 17 ca tử vong trong số 12.108 ca tay chân miệng nhập viện. Năm 2012, có 5 ca tử vong trong số 12.864 ca nhập viện. Đặc điểm chung của dịch bệnh tay chân miệng do EV71 thường kéo dài từ 4 - 5 tháng,
Theo Sở Y tế TP.HCM, năm nay tác nhân nguy hiểm này "tái xuất" tại TP.HCM làm số trẻ mắc bệnh và nhập viện nặng tăng cao, đặc biệt từ giữa tháng 6 đến nay. Và hiện ghi nhận có 6 ca mắc tay chân miệng tử vong, tất cả đều là bệnh nhân có địa chỉ ngoài TP.HCM.
Tiến độ nghiên cứu vắc xin đến đâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn - phó giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM - cho hay vào năm 2019, đơn vị được đối tác Đài Loan chọn nghiên cứu thử nghiệm vắc xin tại Việt Nam.
Bộ Y tế phê duyệt cho phép tiến hành triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 - giai đoạn then chốt nhằm đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin phòng tay chân miệng do chủng EV71.
Tại Việt Nam, vắc xin ngừa tay chân miệng được triển khai tại Tiền Giang và Đồng Tháp. Nghiên cứu đã hoàn tất và được nghiệm thu công nhận kết quả, đăng tải kết quả trên một tạp chí về y khoa có uy tín.
Ngoài nghiên cứu này, theo ông Toàn, trung tâm cũng đang hợp tác triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin phòng tay chân miệng do chủng EV71 từ một đối tác khác, dự kiến có kết quả vào năm 2025.
Cần Thơ: số ca nặng tăng gấp 3,5 lần
Từ tháng 6 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng gấp 3 lần so với những tháng trước đó, tỉ lệ ca nặng tăng cao 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm đã điều trị 1.181 bệnh nhi mắc tay chân miệng (nội trú), có hai trường hợp tử vong. Đặc biệt đã xuất hiện chủng EV71, đây được cho là nguyên nhân làm số ca nặng tăng cao.
Bác sĩ Ông Huy Thanh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - chia sẻ thuốc được sử dụng nhiều trong bệnh tay chân miệng nặng ở bệnh viện hiện nay là Gammaglobulin (còn rất ít) và Milrinone (còn đủ sử dụng), trong khi nguồn cung cấp của công ty trúng thầu không đủ nhu cầu điều trị tại bệnh viện.
An Giang: chưa tìm được nguồn cung
An Giang ghi nhận từ đầu năm đến nay có 1.437 ca tay chân miệng (đứng thứ 4 trong 20 tỉnh thành phía Nam).
Theo bác sĩ Phạm Quang Quốc Uy - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang, dù chưa ghi nhận ca tử vong nhưng An Giang đã có công văn đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ đối với thuốc Immunoglobulin, vì đây là thuốc hiếm, số lượng dự trữ ít và tỉnh chưa tìm được nguồn cung cấp.
Tiền Giang: "chia" thuốc với Đồng Nai
Ghi nhận trên 200 ca tay chân miệng, tỉnh cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân bị tay chân miệng nặng.
Bác sĩ Đỗ Quang Thành - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang - cho hay do đây là thuốc hiếm, cơ số dự trữ ít và nhiều thời điểm bị gián đoạn do các công ty trúng thầu đều không có hàng. Bệnh viện phải tìm nguồn chia lại 50 lọ Immunoglobulin từ Bệnh viện Nhi Đồng Nai để sử dụng tạm.
Đồng Tháp: đảm bảo thuốc dự trữ
Tính từ đầu năm đến nay có 1.513 ca tay chân miệng tại Đồng Tháp. Đặc biệt những tuần vừa qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng liên tục tăng, số ca nặng cũng tăng theo.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu - giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, nguồn thuốc điều trị bệnh tay chân miệng hiện tại tỉnh vẫn đáp ứng đủ. "Bệnh viện nào thiếu thì sở điều tiết qua lại, nhờ các đơn vị bạn hỗ trợ nên cơ bản hiện nay không thiếu", ông Bửu nói.
Đặc điểm trẻ mắc bệnh tay chân miệng năm nay thường không sốt cao nhưng diễn tiến nặng, ngưng thở, đặt nội khí quản nhiều hơn mọi năm, nhiều hơn đại dịch năm 2011.