Kon Tum hiện có trên 1.730 ha sâm Ngọc Linh, tập trung ở huyện Tu Mơ Rông. Thời gian qua nhiều người lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để bán các sản phẩm giả, gắn mác sâm Ngọc Linh nhưng thực chất là: tam thất, sâm Trung Quốc và các loại sâm khác.
Đầu tư lớn để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh
Để tránh tình trạng "vàng thau lẫn lộn", Công an tỉnh Kon Tum lập nhiều chuyên án chống mua bán sâm giả. Ban chỉ đạo 389 ở huyện Tu Mơ Rông còn thành lập một tổ chống sâm giả chuyên đi kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm tại các vườn sâm.
Vì việc gửi mẫu sâm đi xét nghiệm, vừa mất thời gian, lại bị động và tốn chi phí cao, nên tỉnh này đã đầu tư 13 tỉ đồng để mua sắm hai hệ thống kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh và đầu tư cải tạo, sửa chữa phòng xét nghiệm.
Hai hệ thống này gồm: thiết bị phục vụ công tác tách chiết, nhân bản, kiểm tra DNA và thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học Saponin sâm Ngọc Linh.
Kon Tum còn cử bốn cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ đi đào tạo tại Viện Di truyền nông nghiệp và Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum, đến nay toàn bộ thiết bị hai hệ thống trên đã đầy đủ, cán bộ cũng đã được đào tạo bài bản. Sâm Ngọc Linh từ hai Công ty TNHH một thành viên Lâm Nghiệp Đăk Tô và Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum được lấy phân tích, sau đó được xây dựng bộ chỉ thị chuẩn làm cơ sở phân biệt với các sâm khác.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum khi cần cũng có thể kiểm tra sâm thật, giả trên thị trường bằng hệ thống có sẵn trong tỉnh.
Vì sao vắng khách?
Đầu tư là thế, nhưng theo Sở Khoa học và Công nghệ, từ thời điểm hoàn tất mua sắm, trang bị, đào tạo vào tháng 2-2023 đến nay, chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ, gửi mẫu đến để phân tích, kiểm định sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Kiều Hưng - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum - nhận định việc đầu tư hệ thống kiểm định sâm hiện nay là rất cấp bách và cần thiết.
Tuy nhiên theo ông, cần tuyên truyền, quảng bá hệ thống kiểm nghiệm để cả người bán và người mua sâm biết đến nhiều hơn, để khi cần thì đến kiểm nghiệm.
"Hiện Cục Quản lý thị trường cũng đã đăng thông tin về hệ thống này trên cổng thông tin điện tử để người dân, tổ chức, cá nhân biết đến hệ thống này. Từ thời điểm bàn giao hệ thống đến nay, Cục Quản lý thị trường cũng có nhiều đợt kiểm tra nhưng chưa có trường hợp cần phải gửi mẫu sang để kiểm định" - ông Hưng cho biết.
Trước tình hình hệ thống kiểm nghiệm chưa có khách hàng, vừa qua UBND tỉnh Kon Tum đã ra văn bản giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng biểu phí, quy trình kiểm định, xét nghiệm sâm Ngọc Linh.
Đồng thời quảng bá mạnh mẽ về hệ thống kiểm định này để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được biết.
Kon Tum cũng yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm và bảo vệ thương hiệu của sâm Ngọc Linh Kon Tum. Cơ quan chức năng ở tỉnh này cũng phải dán tem, dán nhãn chống hàng giả và bảo đảm nhận diện sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Công ty CP Tập đoàn y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam bị phát hiện dùng giấy xác nhận đã bị thu hồi từ lâu để đăng ký hồ sơ thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho sâm Ngọc Linh.