Biên lợi nhuận gộp của DGW cũng leo từ mức 6,5% của cùng kỳ lên 8,6% trong quý này nhờ sự tăng tỉ trọng của các ngành hàng có biên lợi nhuận cao.
Về cơ cấu doanh thu, mảng điện thoại di động vẫn là nguồn thu chính của công ty với 2.190 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Tiếp theo là mảng máy tính xách tay với 1.342 tỷ đồng, tăng 19% so với quý II/2022.
Cùng chiều, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty này cũng đồng loạt tăng. Trong đó chi phí bán hàng tăng mạnh nhất khi gấp 2 lần lên 242 tỷ đồng. Kết quả, Digiwolrd báo lãi sau thuế 87 tỷ đồng, giảm 36% so với thực hiện năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Digiworld ghi nhận doanh thu 8.484 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, giảm lần lượt 29% và 53% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với kết quả đạt được sau 2 quý, công ty đã hoàn thành được 43% kế hoạch doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Trong cuộc gặp với SSI Research, ban lãnh đạo của DGW cho biết các doanh nghiệp bán lẻ (như MWG và FRT) thường mua iPhone trực tiếp từ Apple đã chuyển sang mua điện thoại iPhone qua DGW trong quý II/2023. Thông thường, các doanh nghiệp bán lẻ phải đợi 6 tuần mới nhận được sản phẩm nếu mua trực tiếp từ Apple. Còn khi mua qua DGW, họ có thể nhận được sản phẩm trong vòng 1 tuần.
Trong bối cảnh tiêu thụ yếu, rất khó để dự báo trước nhu cầu iPhone nên MWG và FRT ưu tiên đặt hàng qua DGW. Do đó, DGW trở thành doanh nghiệp chịu rủi ro hàng tồn kho nhưng bù lại tăng được doanh thu trong quý II/2023. Trong khi đó, doanh thu máy tính xách tay, thiết bị gia dụng và thiết bị văn phòng lại không phục hồi nhiều.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Digiwolrd đạt 6.559 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là dư lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức 2.592 tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm cuối năm 2022. Điều này thể hiện hiệu quả trong việc bán hàng của DGW mặc cho tình trạng sức mua giảm trong nửa đầu năm 2023.
Tại mục các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng gần 50% lên 2.356 tỷ đồng, trong đó, công ty phải thu CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) số tiền 750 tỷ đồng, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) là 215 tỷ đồng, CTCP Thương mại và Dịch vụ Phong Vũ với 119 tỷ đồng.
Công ty hiện đã tăng khoản nợ vay ngắn hạn lên 2.131 tỷ đồng từ các ngân hàng và cá nhân, trong đó chỉ có 3/10 đơn vị là khoản vay có thế chấp bất động sản. Chi phí lãi vay cuối kỳ cũng từ đó tăng gần 2 lần lên 68 tỷ đồng.