Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, sau khi lãnh đạo Quốc hội đồng ý chủ trương tổ chức diễn đàn, đoàn chủ tịch đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đoàn viên, người lao động cả nước.
Sau 2 tuần triển khai lấy ý kiến đoàn viên, người lao động cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ghi nhận có 1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động; hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn...
Trong các vấn đề được đoàn viên, người lao động quan tâm, nổi lên một số vấn đề: nhà ở cho người lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu.
Các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...
Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe của công nhân...
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến thành 45 vấn đề lớn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Tại diễn đàn hôm nay, theo ông Khang, 500 đoàn viên, người lao động đại diện đoàn viên, người lao động cả nước sẽ phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị cụ thể với những vấn đề được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đánh giá rất cao sáng kiến của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã đề xuất tổ chức diễn đàn người lao động Việt Nam 2023.
Theo ông Huệ, có hai điểm đặc biệt liên quan diễn đàn. Trong đó, thứ nhất, diễn đàn được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm 94 năm ngày thành lập công đoàn Việt Nam.
Thứ hai, diễn đàn được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng - nơi tổ chức các kỳ họp của Quốc hội, đưa ra các quyết sách quan trọng với đất nước.
Ông Huệ cũng nhấn mạnh việc coi diễn đàn là một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đặc biệt.
Đồng thời, là một diễn đàn mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, người lao động - những người đang hằng ngày lao động hăng say đóng góp cho sự nghiệp phát triển nước nhà.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên, công đoàn để từ đó có thêm cơ sở nghiên cứu, đưa ra Quốc hội bàn thảo, hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật...
Công nhân trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỉ đồng
Đặt vấn đề tại đây, ông Nguyễn Minh Sơn - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (Hà Nội) - đã nêu về việc công nhân trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỉ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong đề án 1 triệu căn hộ.
Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp. Thêm đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. Thực tế gần như công nhân chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Từ đó, ông đề nghị có giải pháp về vấn đề này.
Trả lời về gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói đây là gói hỗ trợ nằm trong nghị quyết 33 của Chính phủ. Trong đó, có chương trình thực hiện đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động.
Ông Sinh nói có nhiều giải pháp để thực hiện. Chính phủ đã giao cho các địa phương từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, các chính sách khuyến khích nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2030 để đầu tư được ít nhất 1 triệu căn hộ…
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ cả nhà đầu tư và đối tượng được mua nhà vay với lãi suất ưu đãi từ 1,5 -2%. Thời gian được vay với chủ đầu tư là 3 năm, người mua nhà 5 năm. Việc hỗ trợ này chắc chắn giúp nhà đâu tư có nguồn vốn.
Thời gian vừa qua, theo ông Sinh, Ngân hàng Nhà nước tích cực ban hành các văn bản hướng dẫn, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn. Các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực triển khai.
Trong quá trình triển khai, chúng ta đã gặp khó trong nguồn cung. Một số thủ tục còn nhiều vướng mắc.
Ông nói Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo nhất là Ngân hàng Nhà nước có các hướng dẫn cụ thể, các ngân hàng thương mại cũng tích cực triển khai gói này.
Ngoài gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng, ông Sinh nêu Quốc hội ban hành nghị quyết 43, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết 11. Theo đó, đã gói 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho chủ đầu tư có các dự án nhà ở xã hội và gói 15.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động mua nhà với lãi suất 4,8%. Hai gói hỗ trợ này có thể giúp người lao động tiếp cận, vay để mua nhà ở xã hội.
Trả lời về nội dung liên quan Luật Nhà ở sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng sau đó cũng cho hay một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo luật đang trình Quốc hội đó là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân.
Theo ông Tùng, dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội - đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cần bố trí quỹ đất phù hợp cho công nhân thu nhập thấp. Có chính sách ưu đãi như miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… Người lao động được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận nhà ở xã hội.
Đối với nhà lưu trú cho công nhân, ông nói đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp. Trong đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ đầu tư nhà lưu trú công nhân, sau đó cho công nhân thuê với mức giá ưu đãi để giải quyết chỗ ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp…
Ông Tùng cho biết thêm hiện Ủy ban Pháp luật đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội hội thông qua luật này ở kỳ họp thứ 6.
Chất lượng bữa ăn giữa ca còn thấp
Anh Đinh Xuân Đức, công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng (Khánh Hòa) cho rằng bữa ăn giữa ca của người lao động Việt Nam rất quan trọng, không như nhiều nước có thể chỉ là ăn nhanh chiếc bánh mì kẹp thịt.
Nếu người lao động được ăn giữa ca đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ có sức khỏe, làm việc tốt hơn.
Tuy nhiên hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải lo bữa ăn giữa ca cho người lao động. Do đó, chất lượng bữa ăn giữa ca tại nhiều doanh nghiệp còn thấp. Do đó, anh đề nghị bổ sung quy định cụ thể trong luật về nội dung này.
Trả lời vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ chia sẻ với ý kiến này. Kiến nghị đưa bữa ăn giữa ca vào Bộ luật Lao động là chính đáng để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Bà Thúy Anh nói Bộ Luật Lao động năm 2000 được sửa đổi năm 2009 có quy định về đối thoại tại nơi làm việc về nội dung hai bên quan tâm. Do đó, bà đề nghị với nội dung bữa ăn giữa ca người lao động quan tâm, công đoàn có thể đối thoại tại nơi làm việc với chủ sử dụng lao động.
Thêm vào đó, có quy định về thương lượng tập thể và nhiều công đoàn đã thực hiện việc này nên bữa ăn giữa ca đã được cải thiện rất nhiều. Do đó, bà đề nghị công đoàn thời gian tới hướng dẫn công đoàn cơ sở đưa nội dung này vào thương lượng tập thể.
Về quy định vào trong luật, bà Thúy Anh nêu sẽ nghiên cứu trong quá trình xem xét, sửa đổi luật.
"Sửa đổi luật phải đánh giá tình hình thực tiễn. Thực tiễn sinh động của công đoàn sẽ là nguồn quan trọng giúp cơ quan soạn thảo, giám sát hoàn thiện về quy định này trong tương lai", bà Thúy Anh nêu.
Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nêu rõ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn tham gia đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động.