Văn phòng Thống kê Pháp hôm 29/7 cho biết GDP nước này tăng 0,5% trong quý II so với quý đầu năm, chủ yếu nhờ hoạt động ngoại thương mạnh. "Xuất khẩu và nhập khẩu đều bật tăng trong quý II", cơ quan này cho biết. Trong quý I, Pháp tăng trưởng 0,1%.
Tây Ban Nha cũng công bố GDP quý II tăng 0,4%, tương đương quý trước đó.
Kinh tế Đức không tăng trưởng. Dù vậy, đây cũng là sự cải thiện sau 2 quý liên tiếp co lại, giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát tình trạng suy thoái. "Tiêu dùng của các hộ gia đình đã ổn định trong quý II sau nửa năm mùa đông yếu kém", Văn phòng Thống kê Đức cho biết.
Số liệu GDP quý II của eurozone nói chung sẽ được công bố vào thứ Hai tuần sau. "Chúng tôi cho rằng GDP eurozone sẽ tăng nhẹ sau hai quý giảm. Đến nay, số liệu của từng quốc gia thành viên cho thấy có sự khởi sắc, chủ yếu nhờ Pháp", Oxford Economics dự báo hôm 29/7.
Sức ép lạm phát tại đây đang hạ nhiệt và lãi suất nhiều khả năng đã gần đạt đỉnh. Dù vậy, kể cả khi eurozone được xác nhận tăng trưởng trở lại, các khảo sát gần đây cho thấy hoạt động kinh tế chưa thể tăng tốc rõ rệt.
Một khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 29/7 cho thấy dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro năm nay vẫn được giữ tại 0,6%. Dự báo cho năm sau giảm nhẹ, còn 1,1%.
Lạm phát hạ nhiệt và lương tăng đã hỗ trợ tiêu dùng. Tuy nhiên, lãi suất cao và khả năng tăng lãi lại đang kìm hãm đầu tư.
"Châu Âu đang chịu tác động kép, khi sản xuất cũng đang yếu đi do Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, số người tham gia khảo sát cho rằng lĩnh vực dịch vụ sôi động sẽ bù lại sự yếu kém này. Do đó, họ vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho năm nay", ECB giải thích.
Chỉ khoảng 7% người tham gia cho rằng eurozone sẽ chịu một đợt lạm phát nữa từ nay đến hết quý I/2024.
ECB hôm 28/7 nâng lãi suất tham chiếu lên 3,75% - cao nhất 23 năm để ghìm lạm phát. Dù vậy, nhà đầu tư hiện vẫn khó dự báo động thái tiếp theo của cơ quan này.
"Chúng tôi cởi mở với tất cả phương án trong cuộc họp tháng 9 và các cuộc họp sau đó. Chúng tôi có thể tăng, hoặc giữ nguyên lãi suất", Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết trước báo giới. Dù vậy, bà khẳng định "chắc chắn không hạ lãi suất".
Nhu cầu vay vốn kinh doanh quý II đã xuống thấp kỷ lục, theo một khảo sát của ECB đầu tuần này. Các ngân hàng cũng đang thắt chặt tiêu chuẩn cho vay.
Chỉ số Giá sản xuất (PMI) của eurozone cũng rơi xuống 48,9 điểm trong tháng 7. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang co lại.
Hà Thu (theo CNN)