Như Thanh Niên đã đưa tin, dự kiến Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM sẽ được thành lập vào cuối năm 2023. Chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của sở này được chuyển giao nguyên trạng từ Ban Quản lý ATTP hiện tại.
Sau 6 năm thí điểm hoạt động, Ban Quản lý ATTP TP.HCM mang lại nhiều điểm tích cực. Từ kết quả đó, UBND TP.HCM trình Chính phủ đề án thành lập Sở ATTP.
Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM cho phép HĐND TP.HCM thành lập Sở ATTP. Theo đó, HĐND TP.HCM có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở ATTP trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về ATTP, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP.HCM từ Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương cho Sở ATTP.
Rất đáng mong chờ
Nhận xét về nội dung "thành lập Sở ATTP" mà UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp cuối năm 2023, bạn đọc (BĐ) Tiên nhận xét đây là nội dung "rất đáng mong chờ, trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại về thực phẩm bẩn". BĐ Lý Vĩnh cũng hy vọng việc chuyển từ cấp ban quản lý lên cấp sở "sẽ có thêm năng lực và quyền hạn để giúp giảm thiểu triệt để tình trạng thực phẩm bẩn vẫn còn tồn tại trên địa bàn". "Việc lập Sở ATTP TP.HCM là quyết sách đúng đắn. ATTP là một mảng rộng, quan trọng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ, đúng tầm", BĐ Nguyễn Hiếu Tròn nêu ý kiến.
Nhiều BĐ cũng hy vọng Sở ATTP TP.HCM trong tương lai nhanh chóng bổ sung nhân lực để đủ sức đảm đương vai trò mới, rộng hơn và phức tạp hơn. BĐ Hoàng nhận xét: "Cần tăng cường lực lượng cán bộ quản lý ATTP vì quy mô các chợ, hàng quán, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của TP.HCM phát triển rất nhanh. Hy vọng là việc lập sở phải thực chất, không phải chỉ là "xếp thêm chén đũa". Tán thành với nhận xét này, BĐ Thanh Bình nêu: "Cơ chế đặc thù sẽ cho phép mô hình đặc thù, hoạt động cũng phải mang tính chất chuyên biệt. Cốt lõi phải đảm bảo ATTP cho người dân".
BĐ Biển Ngọc đặt câu hỏi: "Không biết các tỉnh khác có theo mô hình Sở ATTP?". Trên thực tế, ngoài TP.HCM, tại TP.Đà Nẵng, Ban Quản lý ATTP cũng là cơ quan tương đương cấp sở thuộc UBND TP.Đà Nẵng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP. BĐ Tuyết Lê nhận xét: "Mô hình Ban ATTP khi thí điểm qua nhiều năm đã giải quyết hiệu quả một số vấn đề chồng chéo trước đây, khi lồng ghép được công việc của các ngành nông nghiệp, công thương và y tế. Có thể thấy rằng chồng chéo trách nhiệm dễ dẫn đến tình trạng "tại anh, hay tại ả" hoặc "cha chung không ai khóc".
Xử lý từ gốc
Đặt nhiều kỳ vọng cho Sở ATTP TP.HCM, BĐ Nguyễn Huân phân tích: "Quản lý ATTP không chỉ giải quyết, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm khi xảy ra sự cố, mà quan trọng hơn là đề ra được chiến lược bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, từ việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, giám sát quá trình phân phối thực phẩm… Như vậy, quản lý ATTP không chỉ cần hiệu quả phần ngọn mà còn phải đảm bảo từ gốc". Một khi đặt ra bài toán về chiến lược ATTP, trách nhiệm của Sở ATTP trong tư cách tham mưu và thực thi chiến lược cũng rất nặng nề. BĐ Minh Nghĩa cho rằng: "Không chỉ nâng cao năng lực đội ngũ mà trang thiết bị hiện đại cũng rất cần thiết".
Câu chuyện một cơ quan quản lý chưa ra đời đã nhận nhiều kỳ vọng "xử lý tận gốc mối lo thực phẩm bẩn" được BĐ Vũ Tiến Nhật lý giải: "Đối với người dân, dù cấp sở hay mô hình ban, miễn làm tốt chức năng, nhiệm vụ; người dân có thực phẩm sạch, an toàn để sử dụng; hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, là được".
Hy vọng lúc chuyển giao đừng rắc rối quá nhé các sở ban ngành ơi.
HQT
Điểm chung mà tôi thấy được qua đánh giá của cơ quan chức năng khi thí điểm mô hình Ban ATTP là hợp nhất chức năng quản lý ATTP, vốn hiện đang thuộc đến 3 sở, từ đó giảm được chồng chéo, đùn đẩy, "đá" trách nhiệm.
Tùng Châu
Chúc Sở ATTP TP.HCM khi ra đời sẽ hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đề ra.
Thắng Nguyễn