Những nội dung này được nêu trong quyết định 32 của UBND TP.HCM về quy định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông, có hiệu lực từ 1-9.
Quyết định này do Sở GTVT xây dựng, Sở Tư pháp thẩm định, với nội dung chi tiết, phân cấp rõ hơn và giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng khi có nhu cầu. Chính quyền TP đã lắng nghe nhu cầu của người dân và cho phép thực hiện trong khuôn khổ.
Dựng rạp cưới hỏi... không cần cấp phép
Cụ thể, điều 7 quy định rõ các hoạt động được sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè không cần cấp phép gồm tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang, điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng...
Ngoài ra, người dân hoặc tổ chức lắp công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, điểm để xe máy không thu tiền giữ xe... cũng không cần cấp phép từ cơ quan thẩm quyền.
Tuy nhiên, cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu nói trên phải thông báo cho UBND cấp phường, xã để được hỗ trợ giải quyết. Chính quyền có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát quá trình thực hiện và tạo điều kiện, hỗ trợ hộ gia đình các biện pháp về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Đối với trường hợp tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, để xe máy không thu tiền sẽ được làm trên phạm vi danh mục tuyến đường đủ điều kiện do UBND cấp huyện ban hành.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Hải Đường, trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết quy định mới này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ về đặc thù đô thị và nhu cầu của người dân TP.HCM.
Khi quy định này chính thức áp dụng thì người dân sẽ được hướng dẫn sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè đúng cách, không xảy ra tình trạng tùy tiện như trước nay gây ảnh hưởng giao thông và mỹ quan đô thị. TP.HCM hướng đến quản lý trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, sử dụng hiệu quả lòng đường, vỉa hè.
"Người dân phải tuân thủ nguyên tắc chung là chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ phải duy trì tối thiểu là 1,5m, đảm bảo lòng đường cho các phương tiện đi lại đúng quy định. Khi đáp ứng điều kiện này, phần hè phố còn lại mới được sử dụng trông giữ xe hoặc ngoài mục đích giao thông", ông Đường nói.
Về vấn đề thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè, ông Đường cho biết Sở GTVT đang hoàn chỉnh đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để trình UBND báo cáo HĐND xem xét theo Luật Phí và lệ phí. Sau đó, HĐND TP ban hành mức phí, quy định trường hợp nào thu, miễn thu để người dân nắm được.
Không cấp phép, vậy trình báo ra sao?
Quy định mới này đã làm cho nhiều người dân TP.HCM rất vui. Chị Nguyễn Thu Trang (người dân sống ở quận 5) cho biết nhà chị ở một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, mỗi lần nhà có hỷ sự hay ma chay thì dùng tạm lòng đường, vỉa hè trong khu vực gần nhà để dựng rạp, giữ xe... Tuy nhiên, do cản trở giao thông nên chị Trang từng bị lực lượng trật tự đô thị nhắc nhở và thậm chí đã xảy ra cự cãi căng thẳng.
"Chúng tôi rất vui về quy định này và cũng rất mong được chính quyền hướng dẫn cụ thể khi gia đình có các nhu cầu trên cần phải làm gì. Chúng tôi báo địa phương như thế nào và báo cho ai?", chị Trang nói.
Đại diện UBND phường 5 (quận 5) cho biết người dân khi cần thì đến UBND phường gặp cán bộ văn hóa - thông tin để báo về việc trên. Đồng thời phải đảm bảo về an ninh trật tự, không lấn chiếm quá nhiều lòng đường, vỉa hè vì còn phải để người dân đi lại. Ngoài ra, việc sử dụng âm thanh cũng phải đúng thời gian quy định để tránh gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Đại diện UBND một phường tại quận 3 cho biết phường mới nhận quyết định nên đang đợi quận họp hướng dẫn. "Thủ tục hiện nay thì chúng tôi đang đợi quận ban hành quy trình đồng bộ cho các phường. Tuy nhiên, trong lúc chờ hướng dẫn cụ thể các trường hợp người dân có việc cần sử dụng vỉa hè, lòng đường để làm đám tang, hiếu hỷ, cưới hỏi... phường vẫn linh động cho người dân", vị này nói.
Nói về quy định này, một chuyên gia an toàn giao thông cho hay tùy vào nơi tổ chức các sự kiện mà các cá nhân, đơn vị chỉ được sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè và vẫn phải đảm bảo các điều kiện thiết yếu cho hoạt động giao thông. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần cử lực lượng giữ gìn an ninh trật tự để vừa giải quyết được nhu cầu của người dân tại chỗ nhưng vừa không gây ảnh hưởng đến việc đi lại chung của người dân TP.
Các trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè phải xin cấp phép
Bên cạnh các trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè không cần xin cấp phép, quyết định cũng nêu nhiều trường hợp phải được cơ quan chức năng cấp phép như: điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình, điểm trông, giữ xe có thu phí, tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị.
Các cá nhân, tổ chức phải làm hồ sơ xin cấp phép gồm: đơn xin cấp phép, bản vẽ, giấy phép xây dựng (nếu thuộc trường hợp sử dụng làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình) gửi cơ quan thẩm quyền (cấp quận, huyện hoặc Sở GTVT). Thời gian giải quyết hồ sơ trong vòng năm ngày làm việc và thời hiệu giấy phép này không quá 12 tháng.
Bên cạnh đó, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè sẽ căn cứ vào đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Đề án này sẽ được Sở GTVT trình HĐND TP thông qua trước khi áp dụng.
UBND TP.HCM vừa ra quyết định ban hành quy định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè. Trong đó quy định rõ việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè.