Đà phục hồi của quặng sắt trong vài tháng qua đang có xu hướng ngày càng suy yếu khi kỳ vọng các gói kích thích lớn về cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc từng triển khai đang mờ dần.
Các nhà chức trách đã nới lỏng chính sách tiền tệ và triển khai hoặc đề xuất một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và các bộ phận khác của nền kinh tế kể từ đầu tháng 6. Chính phủ nước này đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho bất động sản và giảm bớt gánh nặng nợ của chính quyền địa phương.
“Bất kỳ hình thức biện pháp kích thích nào cũng sẽ trải qua độ trễ từ hai đến ba quý. Các nhà chức trách cũng có thể cần khuyến khích mạnh mẽ các nhà phát triển bất động sản triển khai vốn cho các mục đích đã định thay vì sử dụng chúng để tái cân bằng các bảng cân đối kế toán có đòn bẩy cao”, Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities Ltd. cho biết.
Quặng sắt có thể sẵn sàng cho một đợt giảm giá mới.
Quặng sắt có thể lặp lại chu kỳ bùng nổ và sụp đổ gần đây nhất. Giá quặng sắt đã tăng từ đầu tháng 11/2022 do sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế hậu Covid, nhưng sau đó đã mất hơn một nửa mức tăng khi sự phục hồi chững lại. Quặng sắt sau đó bắt đầu phục hồi trở lại vào cuối tháng 5/2023 với hy vọng về gói kích thích.
Đầu tháng 7, Morgan Stanley cho biết, giá quặng sắt có thể giảm xuống 90 USD/tấn trong quý IV, trong khi Goldman Sachs vào ngày 13/7 đã đặt mục tiêu 3 tháng tới là 80 USD/tấn cho kim loại này.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - chiếm khoảng 40% nhu cầu thép của nước này - tiếp tục đóng vai trò là lực cản đối với giá quặng sắt. Lĩnh vực này đã thu hẹp trở lại vào quý trước sau khi mở rộng trong thời gian ngắn trong ba tháng đầu năm.
Richard Lu, nhà phân tích cấp cao tại CRU International Ltd. cho biết, Trung Quốc đang chuyển các nỗ lực kích thích sang tiêu dùng, đồng thời tránh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sử dụng nhiều thép và truyền thống hơn.
“Lĩnh vực bất động sản thực sự được xây dựng dựa trên niềm tin, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ sự phục hồi tốt nào, vì vậy trong nửa cuối năm, sự phục hồi sẽ khó có ý nghĩa… Có áp lực giảm giá đối với quặng sắt, nhưng sẽ có lực cản mạnh hơn ở mức 90 đến 95 USD/tấn", ông nói.
Tại Việt Nam, thị trường thép chứng kiến đợt giảm giá lần thứ 15 liên tiếp. Ngày 21/7, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 100.000 đồng – 310.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, xuống còn 13,6 – 14,69 triệu đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc.Giá thép giảm sâu khiến các doanh nghiệp thép trong nước đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.
Diễn biến thị trường thép từ nay đến cuối năm vẫn khó có thể khởi sắc trở lại. Ngành thép vẫn kỳ vọng đẩy mạnh tiêu thụ nhờ đầu tư công và thị truờng bất động sản ấm lên. Tuy nhiên, cả 2 yếu tố này dự báo vẫn chưa có biến chuyển trong năm nay.