Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết từ chiều hôm qua đến sáng nay Bình Thuận có mưa to, trong đó có khu vực cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới (tồn tại các yếu tố gây mưa) và gió mùa tây nam cường độ mạnh. Tuy không có trạm đo tại vị trí xảy ra ngập trên cao tốc nhưng các trạm gần đó cho thấy lượng mưa ước chừng đạt 50-100mm.
"Trong hôm nay dải hội tụ nhiệt đới vẫn duy trì, hiện tại các ổ mây dông vẫn đang hình thành trên biển và có xu hướng di chuyển vào đất liền. Khu vực Bình Thuận mưa có giảm nhưng vẫn còn mưa to, do đó khả năng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn có thể tái diễn cảnh ngập", bà Lan nhận định.
Cũng theo bà Lan, việc ngập này không chỉ do mưa tại chỗ mà do mưa to từ đầu nguồn các con sông suối. Nước lũ theo đó tràn về nên không chỉ riêng khu vực cao tốc mà các khu vực lân cận có sông suối đi qua cũng có thể bị ngập.
Về tình hình chung thời tiết Nam Bộ, từ đêm qua tới sáng nay nhiều nơi có mưa to đến rất to. Điển hình như Tân Điền (Kiên Giang) mưa đạt 216,6mm, Thạnh Trị (Sóc Trăng) 183,8mm, Nàng Mau (Hậu Giang) 125,2mm…
Chiều và đêm nay, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục mưa vừa, mưa to và dông, vài nơi có mưa rất to. Lượng mưa dự báo 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Gió mùa tây nam vẫn hoạt động mạnh từ Nam Trung Bộ trở vào Nam Bộ. Tháng 7 mỗi năm thường là tháng gió mùa hoạt động mạnh nhất và gây mưa nhiều nhất.
Nguyên nhân ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ban đầu được xác định do cống nằm ở vị trí thấp, không kịp thoát nước. Nước ngập làm hư hỏng một đường gom dân sinh cạnh tuyến cao tốc.