Ngày 27-7, báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng bài viết “Vụ nuôi 79 con chó gây ồn ào, ô nhiễm: Không thể bó tay!”. Bài viết phản ánh một hộ trên đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4 đang nuôi 79 con chó trong thời gian qua. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Điều này đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân xung quanh.
Anh NKA (ngụ phường 9, quận 4) cho biết do nhà anh ở cạnh căn hộ nuôi 70 con chó nêu trên, các con của anh thường xuyên bị ngứa mũi. Lâu ngày sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ các con nên anh đã lắp cửa kính toàn bộ ngôi nhà.
“Riêng bản thân tôi do đã nhiều năm hít phải mùi hôi, lông chó nên tôi bị dị ứng mũi, sau khi đi khám thì bác sĩ chuẩn đoán tôi bị viêm mũi mãn tính. Hiện giờ, tôi phải thường xuyên dùng thuốc để điều trị”.
Đi kèm những lo lắng trên, anh NKA và một số bạn đọc nêu thắc mắc: Nuôi chó mèo với số lượng lớn trong một không gian nhỏ thì liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người?
Bệnh nhiễm ký sinh có thể gây mờ mắt
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga thuộc Bộ Quốc phòng, giải đáp thắc mắc trên.
. Phóng viên: Việc một hộ dân nuôi nhiều chó mèo như trường hợp ở quận 4 vậy vậy liệu có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh?
+ Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Có thể có và cũng có thể không. Tuy nhiên, việc nuôi chó mèo nhiều như vậy thì nguy cơ gây nhiễm giun chó mèo là có thể xảy ra. Còn nếu người dân xung quanh tiếp xúc với nhiều chó mèo cũng có thể nhiễm giun chó mèo.
Người dân cần chú ý triệu chứng sau đây: Nếu mẩn ngứa kéo dài trên 6 tuần, dùng thuốc chống dị ứng thông thường không hiệu quả thì nên nghĩ đến việc mình bị nhiễm ký sinh trùng. Trong đó, nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo là bệnh khá thường gặp.
Đàn chó số lượng lớn tại căn nhà trên đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM.Ảnh: HUỲNH THƠ |
Bệnh có hai thể, là thể ấu trùng di chuyển nội tạng và thể ấu trùng di chuyển ở mắt.
Khi bị thể ấu trùng di chuyển nội tạng, người lớn hoặc trẻ em có thể có các triệu chứng như ngứa da, dị ứng, nổi mề đay, nổi cục u ở da. Ngoài ra, có thể mệt mỏi kéo dài, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, đau đầu, ho hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.
Với thể ấu trùng di chuyển ở mắt, thường chỉ gặp ở trẻ em, triệu chứng chính là mờ mắt, không đau, không viêm đỏ, nên khó phát hiện sớm. Khi khám nhãn khoa có thể nhầm với u nguyên bào võng mạc, và thường để lại di chứng là mờ mắt.
. Xin bác sĩ có thể chia sẻ những con đường lây nhiễm giun đũa chó mèo có thể xuất phát từ những nguồn lây nào và những dấu hiệu cảnh báo cơ thể nhiễm ấu trùng này?
+ Bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo rất hay gặp ở các nước đang phát triển, các nước vùng nhiệt đới, đặc biệt ở các vùng quê, mức sống thấp. Nguyên nhân là do trứng của giun đũa chó (Toxocara canis), giun đũa mèo (Toxorara cati) và các giun đũa tròn động vật khác.
- Bệnh lây qua đường tiêu hóa: Trứng của giun đũa chó mèo theo phân ra ngoài, phát triển thành phôi và tồn tại trong đất, cát hay ô nhiễm vào nước.
- Trẻ em nghịch đất, cát, hoặc khi chúng ta ôm ấp chó mèo nhiễm bệnh, hoặc ăn đồ ăn sống, rau sống được rửa bằng nước ô nhiễm trứng giun thì sẽ bị nhiễm bệnh.
Khi phôi chứa trứng giun vào ruột, nó phát triển thành ấu trùng và xuyên qua thành ruột, đến các cơ quan nội tạng như gan-lách, phổi, hệ thần kinh hoặc di chuyển đến mắt. Chúng có thể di chuyển trong cơ thể vài tháng cho tới khi bị hệ miễn dịch của cơ thể bao vây, ức chế sự phát triển.
Ấu trùng giun đũa chó mèo không bao giờ phát triển thành giun đũa như ở chó mèo, nó chỉ gây viêm tại chỗ, và khiến cơ thể sinh ra các phản ứng miễn dịch chống lại ấu trùng giun.
Hình ảnh minh họa từ 1 trường hợp bệnh nhân bị lây nhiễm ấu trùng từ chó mèo với các triệu chứng như ngứa da, dị ứng, nổi mề đay, nổi cục u ở da. |
Triệu chứng của người bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo thường rất khó phát hiện. Thông thường nhất là mẩn ngứa kéo dài, có thể có mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ... nhưng thường không đặc hiệu và dễ nhầm với các bệnh khác.
Cách phòng ngừa bệnh nhiễm giun đũa
. Phóng viên: Hiện nhiều người có sở thích nuôi thú cưng, chơi và ngủ cùng chúng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Xin bác sĩ chia sẻ cách phòng tránh?
+ Từ đường lây truyền của bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, chúng ta cần có các biện pháp phòng tránh như sau:
Chích ngừa cho chó để phòng bệnh giun đũa. Ảnh: TRẦN NGỌC |
• Không cho trẻ nghịch đất, ăn đất, mút tay, nhất là các trẻ từ 2-5 tuổi.
• Nếu có thể, nên cho trẻ chơi ở những nơi không có chó mèo lui tới.
• Hạn chế việc ôm ấp, định kỳ tẩy giun cho chó, mèo nếu gia đình nuôi thú cưng
• Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Rửa rau sống và trái cây thật kỹ trước khi ăn.
• Không nên ăn sống hay tái các món lòng heo, gà, thỏ, cừu…
. Xin cám ơn bác sĩ!
Việc người dân cứ bị ngứa là đi khám da liễu rất dễ hiểu và là phản ứng tự nhiên. Bởi các triệu chứng của người bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo thường chỉ là mẩn ngứa kéo dài, có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ… nhưng thường không đặc hiệu và dễ nhầm với các bệnh khác. Vì vậy, nếu mẩn ngứa kéo dài trên 6 tuần, dùng thuốc chống dị ứng thông thường không hiệu quả, người dân nên nghĩ đến nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng, trong đó nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo là bệnh khá thường gặp.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga thuộc Bộ Quốc phòng