Nông sản Việt Nam xuất đi các nước đã tiếp tục gặp phải nghi vấn lừa đảo. Bộ Công Thương mới đây đã khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài sau vụ việc 5 lô hàng hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi trị giá hơn 500.000 USD xuất khẩu sang Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bị nghi lừa đảo.
Hiện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại UAE đang phối hợp các cơ quan nước sở tại lấy lại quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian sớm nhất .
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, đến nay 4 lô hàng hồ tiêu, quế và điều đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán. Còn 1 lô hàng hoa hồi thì bộ chứng từ gốc đã bị mất, được giữ tại cảng ở Dubai.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết: "4 công hàng đấy hiện nay là khoảng 470.000 USD trong khi quy mô doanh nghiệp hội viên chúng tôi thì quy mô rất nhỏ, vốn rất mỏng, phải dựa nhiều vào hỗ trợ ngân hàng. Chúng tôi mong muốn vấn đề này sớm giải quyết được sẽ giúp khống chế thiệt hại xảy ra và có bồi thường cho doanh nghiệp Việt Nam".
Các doanh nghiệp này đã ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ, tức là doanh nghiệp Việt Nam giao bộ chứng từ xuất khẩu cho ngân hàng tại Việt Nam. Từ đây, bộ chứng từ được gửi tới ngân hàng phía UAE. Người mua sẽ thanh toán tiền và nhận bộ chứng từ, như vậy có thể kéo container hàng ra khỏi cảng. Ngân hàng ở UAE sẽ chuyển tiền cho ngân hàng Việt Nam nhưng tới giờ hàng đã được lấy nhưng chưa thanh toán.
Ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết: "Thương vụ Việt Nam trực tiếp làm việc với các cơ quan như cảnh sát, hải quan Dubai, hãng tàu EverGreen và cảng vụ để đề nghị tạm dừng giao container hàng cho bên mua và tiếp tục hỗ trợ 4 container điều, tiêu, quế của các doanh nghiệp".
Theo Bộ Công Thương, hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài thường yêu cầu điều khoản thanh toán trả sau hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố.
"Khi chuyển phát hồ sơ thanh toán đến ngân hàng của người mua thì có khe hở giao hồ sơ đó cho đối tượng có thể không tin cậy. Đây là điểm gây ra sự thất lạc hoặc làm bộ chứng từ rơi vào tay kẻ xấu, lợi dụng lấy được hàng mà không thanh toán", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định.
Để giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo thương mại quốc tế, Cục xuất khẩu, Bộ Công Thương đề xuất các doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ bảo hiểm, hay doanh nghiệp logistics uy tín như một đối tác tham gia hợp đồng đảm bảo an toàn quá trình vận chuyển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.10015231203703202-et-couq-iam-gnouht-gnort-oad-aul-oab-hnac/et-hnik/nv.vtv