Hồi tháng 2 năm nay, diện tích băng biển Nam Cực là gần 1,8 triệu km2 - mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập cách đây 45 năm. Đến giữa tháng 7 năm nay, theo Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC), con số này thấp hơn mức trung bình mùa đông giai đoạn 1981-2010 đến 2,6 triệu km2.
Một số nhà khoa học mô tả hiện tượng này là ngoại lệ, có thể chỉ xảy ra một lần trong hàng triệu năm. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về sông băng Ted Scambos từ Trường ĐH Colorado Boulder (Mỹ) cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy cả hệ thống đã thay đổi, không bao giờ có thể phục hồi theo cách cũ.
Băng biển trôi nổi quanh Nam Cực cực kỳ quan trọng với khí hậu và đời sống động vật hoang dã Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Băng biển Nam Cực đã dao động từ mức cao kỷ lục xuống mức thấp kỷ lục trong vài thập kỷ qua, khiến các nhà khoa học gặp khó khi nghiên cứu về tác động của tình trạng toàn cầu ấm dần lên lục địa này. Từ năm 2016, xu hướng giảm trở nên mạnh mẽ.
Theo ông Scambos, một trong những yếu tố dẫn tới mất băng biển là sức mạnh gió Tây quanh Nam Cực. Yếu tố này được cho là liên quan sự gia tăng ô nhiễm làm nóng hành tinh.
Dù trôi nổi sẵn trong nước nhưng băng biển vẫn có tác động gián tiếp đến việc nước biển dâng. Sự thiếu vắng nó khiến các dải băng ven biển tiếp xúc trực tiếp với sóng và nước biển ấm, làm chúng tan và vỡ ra nhanh hơn.
Băng biển cũng giúp phản xạ năng lượng mặt trời, ngăn biển hấp thụ quá nhiều nhiệt. Nói cách khác, nó là công cụ điều chỉnh nhiệt độ liên quan các tác động theo tầng trên khắp hành tinh.
Xem thêm: nhc.715354290137032881-cuc-man-iat-gnouht-tab-gnout-neih/nv.fefac