Ngày mai (1/8), Hà Nội đánh dấu mốc kỷ niệm tròn 15 năm kể từ ngày Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội "về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" có hiệu lực, cũng là tròn 15 năm Hà Nội mở rộng, hợp nhất (1/8/2008 - 1/8/2023).
15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.
Nhìn lại những con số tăng trưởng ở lĩnh vực kinh tế, chúng ta có thể thấy được, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng về tăng trưởng sau 15 năm thành phố được mở rộng địa giới hành chính.
Cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực
Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn (ngoại trừ năm 2018) và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm)
Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110 USD) gấp 3,5 – 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697 USD).
Tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Trong khi cơ cấu ngành kinh tế năm 2011 với dịch vụ chiếm 63%; công nghiệp - xây dựng 20%; nông nghiệp 3,6%, thuế sản phẩm 13,4% thì đến năm 2022 cơ cấu các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tương ứng là: 63,22%; 24,04% - tăng tương ứng 0,22 điểm % và 4,04 điểm %; nông nghiệp và thuế sản phẩm tương ứng 2,08% và 10,66% - giảm tương ứng 1,52 điểm % và 2,74 điểm %
Năng suất lao động năm 2022 của Hà Nội đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động.
Giai đoạn 2011-2015, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 36,3% tăng trưởng GRDP (cả nước là 34,1%), giai đoạn 2016-2020 đóng góp khoảng 46,0% (cả nước là 44,4%).
Tái cơ cấu nội ngành kinh tế được đẩy mạnh
Dịch vụ được chú trọng phát triển trong những năm qua đã thúc đẩy việc tái cơ cấu lại cơ cấu nội ngành trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, những năm gần đây tập trung mạnh vào số hóa, đẩy mạnh thương mại điện tử và phục hồi phát triển ngành du lịch sau đại dịch COVID-19. Giai đoạn 2011-2022, dịch vụ tăng bình quân 6,77%/năm - cao hơn bình quân chung là 6,67%. Năm 2022, dịch vụ phục hồi tăng mạnh (đạt 10,06%); 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục khẳng định đà phục hồi, mức tăng đạt 7,54% - gấp 1,26 lần mức tăng chung của GRDP (5,97%).
Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Về dịch vụ tài chính, ngân hàng, so với năm 2008, công nghệ ngân hàng trên địa bàn hiện nay đã thay đổi cơ bản. Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối các ngành, lĩnh vực để mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, 100% ngân hàng trên địa bàn đã triển khai dịch vụ internet banking, mobibanking, các loại ví điện tử, mở rộng tiện ích thẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hệ thống các TCTD tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại; triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách; minh bạch hơn thực chất nợ xấu của các TCTD; duy trì hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt; lưu thông tiền tệ và nguồn vốn huy động bảo đảm đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn huy động chiếm tỷ trọng khoảng 28% cả nước, tốc độ tăng nguồn vốn huy động bình quân đạt 17,93%/năm; dư nợ tín dụng chiếm tỷ trọng khoảng 27% cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,9%/năm.
Trong 15 năm qua, hạ tầng thương mại nội địa (trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ) được chú trọng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 03 trung tâm logistics (Trung tâm Logistics Hateco; Trung tâm Logistics - ga Yên Viên; Trung tâm khai thác vận chuyển khu vực phía Bắc tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh); 02 cảng cạn ICD tại Mỹ Đình (5,2 ha) và Gia Thụy (01 ha), đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 03 dự án: Cảng cạn ICD Cổ Bi, Cảng cạn ICD Đức Thượng, Cảng container quốc tế Phù Đổng; 28 trung tâm thương mại; 123 siêu thị; 1.840 cửa hàng tiện ích; 493 cửa hàng xăng dầu; 1703 cửa hàng kinh doanh LPG chai; 415 máy bán hàng tự động; 16.184 website ứng dụng thương mại điện tử…
Đã khởi công xây dựng Chợ đầu mối Nam Hà Nội (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai), đồng thời nghiên cứu khảo sát xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm); thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác 164 chợ/ tổng số 459 chợ. Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh (chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ). Thành phố phối hợp các sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Tiki, Sendo, Lazada) hỗ trợ tích cực tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn. Chỉ số thương mại điện tử của Thành phố duy trì vị trí thứ 2 cả nước.
Giai đoạn 2009-2022, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 6,68%, nhập khẩu tăng 4,16%, nhập siêu từ mức gấp 2,35 lần xuất khẩu năm 2008 giảm còn 1,15 lần 6 tháng đầu năm 2023. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD, gấp 1,93 lần so với năm 2008 (hơn 30 tỷ USD).
Lạm phát được kiểm soát tốt; thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước.
Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp (CCN) tiếp tục được phát triển với 09 khu công nghiệp, 70 CCN đang hoạt động. Kinh tế tri thức, kinh tế số được chú trọng. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 02/05 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngành xây dựng tăng bình quân 4,14%/năm; nhiều khu đô thị mới được xây dựng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô (Khu đô thị Việt Hưng, Vinhomes River Side, VinCity Ocean Park, VinCity Sportia, Garmuda, Royal City, Times City…).
Tái cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó các huyện, thị xã tích cực chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng hoặc kết hợp nuôi thủy sản cho hiệu quả cao hơn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.
Tỷ trọng thu nội địa đã tăng hơn 10% so với năm 2023
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao; tổng thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2008 - 2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm. Các nguồn thu được quản lý đầy đủ và chặt chẽ; cơ cấu thu NSNN trên địa bàn có sự chuyển dịch tích cực, bền vững; tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức 80,5% năm 2008 lên 91,7% vào năm 2023.
Thành phố thường xuyên tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giao đất cho các chủ đầu tư, thực hiện hạch toán tiền sử dụng đất các dự án đối ứng cho các dự án BT còn đang thực hiện, qua đó góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển. Đồng thời, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được quan tâm, chú trọng: khai thuế điện tử; hoàn thuế điện tử 100% trường hợp đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu và dự án đầu tư.
Mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội tại các ngân hàng thương mại và đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử như Internet banking, thẻ ATM, thiết bị chấp nhận thẻ POS... tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần tập trung nhanh các khoản thu NSNN.
Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2008-2022 hơn 937,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm; trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 426,85 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng chi ngân sách, tăng bình quân 11,65%/năm. Chi thường xuyên khoảng 498,25 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53,16% tổng chi ngân sách, tăng bình quân 11,95%/năm.
Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét. Khu vực nhà nước giảm từ 51,0% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3%; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 54,8%.
Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực như Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng CNTT, giáo dục, y tế... Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn lũy kế hết tháng 6/2023 đạt hơn 362 nghìn doanh nghiệp.
Đến nay, Hà Nội đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, hàng năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Thành phố đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư... Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dần được nâng lên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục từ năm 2012 (xếp thứ 51/63) đến năm 2018 - 2020 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, năm 2021 và 2022, PCI của Hà Nội đã giảm lần lượt 1 bậc và 10 bậc, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố.
Đóng góp ngày càng lớn cho Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước
So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77 và 10,77% kim ngạch nhập khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước (xem Biểu 2).
Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tầu và là động lực phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại. công tác xây dựng nông thôn mới có sự tham gia tích cực của UBND các quận và đóng góp trực tiếp của người dân. Ở đó, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy.
Chiều 29/5/2008, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, với 92,9% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XII (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đã ký ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội "về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan". Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2008.
Điều 1 của Nghị quyết chỉ rõ: (1). Hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11ha và dân số hiện tại là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. (2). Chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội, bao gồm diện tích tự nhiên là 14.164,53ha và dân số hiện tại là 187.255 người. (3). Chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về thành phố Hà Nội, bao gồm: 1.720,36ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 4.495 người của xã Đông Xuân, 3.457,74ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 6.606 người của xã Tiến Xuân, 2.073,06ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 5.875 người của xã Yên Bình, 1.532,76ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 3.278 người của xã Yên Trung. "Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là 334.470,02ha với diện tích đứng thứ 17 trong các thủ đô trên thế giới và dân số hiện tại là 6.232.940 người".
Đúng ngày 1/8/2008, Hà Nội và các địa phương liên quan đã chính thức hợp nhất theo Nghị quyết 15 của Quốc hội, quyết sách này đánh dấu một trang sử mới tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm vị thế của Thủ đô của đất nước.
VTV.vn - Hà Nội đặt mục tiêu phát triển kinh tế đô thị theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!