Phim nhận được sự chú ý không chỉ vì tên tuổi của đạo diễn và diễn viên cùng những hình ảnh ấn tượng vừa nhá hàng, mà còn vì phim thuộc thể loại cổ trang, vốn khá khan hiếm với phim Việt.
Vô cùng khó làm
Nói về những cơ hội và thách thức của dòng phim này, đạo diễn Trần Hữu Tấn (phim Bắc Kim Thang, Chuyện ma gần nhà) chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Tôi nghĩ dòng phim cổ trang Việt Nam sẽ mang đến sự mới mẻ cho khán giả, nhất là khi các phim với bối cảnh hiện đại đang quá nhiều.
Thời gian gần đây, phong trào mặc cổ phục và sự quan tâm về văn hóa lịch sử nước ta được các bạn trẻ hưởng ứng nhiều hơn. Tôi tin rằng điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội cho dòng phim cổ trang".
Dẫu vậy, đạo diễn Trần Hữu Tấn thừa nhận đây là một thể loại vô cùng khó làm, rất nhiều thử thách về câu chuyện cùng các yếu tố lịch sử, kinh phí, bối cảnh, tạo hình, phục trang, lời thoại... Phải làm thế nào cho khán giả tin được họ đang xem một bộ phim thời xưa đúng nghĩa là bài toán khó khăn.
Biên kịch - nhà sản xuất Nhi Bùi (phim Thưa mẹ con đi, Bố già, Fanti) cho biết nhiều nhà làm phim Việt muốn làm phim cổ trang. Tuy nhiên, từ ý tưởng tới việc thực hiện là một khoảng cách.
Không chỉ từ điều kiện phim trường, tài liệu lịch sử để tham vấn đa số mơ hồ, mà còn vì để tìm kiếm câu chuyện mới mẻ và có tinh thần hiện đại dù khoác lớp áo cổ trang là thực sự khó khăn.
"Những dự án cổ trang có lợi thế là dễ nhận được sự quan tâm ngay khi công bố, tuy nhiên đồng nghĩa với việc sự xét nét cũng cao hơn", Nhi Bùi nói.
Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp (phim Trái tim quái vật) cũng cho rằng phim cổ trang ở điện ảnh Việt Nam là một thể loại ít gặp, ít được làm nên có một sức hút lớn. Tạ Nguyên Hiệp phân tích rằng đi cùng với cơ hội luôn là việc đối mặt với nhiều thử thách.
Vì phim cổ trang Việt chưa được làm nhiều nên luôn có những đứt gãy và thiếu sự tiếp nối. Ngoài ra, các tác phẩm cổ trang của Việt Nam dễ bị so sánh với các tác phẩm của Trung Quốc, Hàn Quốc...
"Sự so sánh này đôi khi cũng khắc nghiệt, vì chúng ta lâu lâu mới sản xuất một phim, còn họ thì có bề dày và sự kế thừa vững vàng. Hiệp nghĩ những người chịu dấn thân làm phim cổ trang là những người thật sự rất can đảm, là những cầu nối văn hóa giúp thế hệ trẻ phần nào kết nối các giá trị truyền thống, khơi gợi được sự rung động và tình cảm với lịch sử Việt, con người Việt", anh bày tỏ.
Vẫn là thị trường tiềm năng
Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng dòng phim cổ trang vẫn là thị trường rất tiềm năng để khai thác và đầu tư vì điện ảnh Việt thiếu rất nhiều phim về lịch sử, văn hóa cũng như các điển tích dân gian - những yếu tố khán giả hiện nay rất quan tâm, nhất là lớp trẻ.
Biên kịch - nhà sản xuất Nhi Bùi thì cho rằng hiện tại vẫn khó để đánh giá tiềm năng của thể loại này vì ở Việt Nam chưa có nhiều dự án điện ảnh cổ trang. "Tôi nghĩ phải có những thành công bước đầu mới có thể đánh giá được đường dài", Nhi Bùi nhận định.
Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp đánh giá mỗi thể loại phim đều có những cái khó và những cái ngưỡng cần phải vượt qua, nhất là trong thời đại các sản phẩm nghe nhìn ngày càng phát triển vượt bậc.
Với những thể loại được làm thường xuyên như Drama, Comedy, Thriller, các nhà làm phim được cọ xát, làm, nhận ra những bài học.
Còn với phim cổ trang ít khi thực hiện, mọi quyết định đều dựa vào tài năng và bản lĩnh của người làm phim vì họ không có nhiều case-study để nghiên cứu.
"Theo tôi, bất kỳ một sự thành công vượt ngưỡng nào cũng cần bắt đầu từ những thành công nho nhỏ. Ở góc độ khán giả, tôi vẫn luôn háo hức chờ đợi, bước vào phòng chiếu, chìm đắm trong những thước phim cổ trang mà ở đó khung cảnh Việt, giọng nói Việt được hiện lên sống động", anh cho biết.
Một số phim cổ trang Việt khác đạt doanh thu khá là Mỹ nhân kế, Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Mẹ chồng, Trạng Quỳnh nhưng chất lượng gây tranh cãi.
Sau 6 năm đóng phim, gương mặt đắt giá của phòng vé - Kaity Nguyễn mới thử sức ở thể loại phim cổ trang. Và lần đầu tiên cô hợp tác với đạo diễn 'mát tay' Victor Vũ.