Vào một buổi tối tháng 6 nóng nực, trong khi phần lớn các gia đình ở Hong Kong đang dùng bữa tối, thì khoảng 20 học viên di chuyển qua các hiệu thuốc nhân sâm và tiệm may để lên tầng 3 của một toà nhà văn phòng. Họ đang tham dự khoá học về xu hướng “hot” nhất trong ngành tài chính.
Những học viên này đều là nhân viên văn phòng, một số là nhân viên ngân hàng tư nhân, số khác làm kế toán. Họ đến để tìm hiểu về những thứ cơ bản nhất của văn phòng gia đình - những công ty chuyên quản lý khối tài sản khổng lồ và bí mật của nhiều thế hệ trong gia tộc.
Các lớp học được tổ chức vào buổi tối này là một phần trong “cuộc đua” trên toàn cầu, trải dài từ Singapore đến Miami, khi các chính phủ đang nỗ lực để thu hút các văn phòng gia đình, đặc biệt là ở châu Á.
Với cuộc sống xa hoa, mức thuế chỉ là “chuyện nhỏ” với giới siêu giàu, thì đội ngũ nhân sự luôn sẵn sàng phục vụ nhóm này đã trở thành một “chiến trường” quan trọng. Hàng nghìn tỷ USD đầu tư và những công việc top đầu với thù lao có thể lên tới 1 triệu USD đang chờ đợi họ.
Dixon Wong, từng là trưởng bộ phận văn phòng gia đình tại Invest Hong Kong đang mở lớp đào tạo, cho biết: “Sự chênh lệch trong vấn đề nhân tài đang ngày càng trở nên căng thẳng. Không như nhiều văn phòng gia đình ở Mỹ và châu Âu, văn phòng gia đình ở châu Á lại thường do các thành viên trong gia tộc quản lý. Cách tiếp cận này chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế.”
"Cuộc chơi" quản lý tiền cho giới siêu giàu
Sự bùng nổ của các văn phòng gia đình ở châu Á cũng gắn liền với sự phát triển của khu vực này. Khi phần lớn tài sản được tạo ra sau thời kỳ chủ nghĩa thực dân, nhiều doanh nhân siêu giàu đang tìm cách vận hành và chuyển giao tài sản cho con cháu.
Theo dự báo của HSBC, đến năm 2025, giá trị tài sản tài chính ở châu Á (không tính Nhật Bản) có thể vượt xa Mỹ, với con số gần 140 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Knight Frank dự đoán châu Á sẽ có nhiều người giàu hơn châu Âu trong 3 năm tới.
Nhu cầu đối với các văn phòng gia đình đang tăng cao như “sóng thần” ở châu Á. 80% công ty được khảo sát trong Campden Research của Báo cáo Văn phòng gia đình Châu Á - Thái Bình Dương được thành lập sau năm 2000. Trong khi đó, ngành văn phòng gia đình trên toàn cầu quản lý gần 6 nghìn tỷ USD vào năm 2019.
Trong bối cảnh đó, các trung tâm tài chính đang gấp rút để thành động. Hong Kong đã đưa ra nhiều ưu đãi thuế và cư trú để thu hút các gia tộc đầu tư vào Trung Quốc. Còn Dubai thậm chí còn có trung tâm dành riêng cho các gia đình giàu có.
Singapore là quốc gia đã sớm bước chân vào “cuộc chơi này”. Quốc đảo sư tử có khoảng 1.100 văn phòng gia đình vào cuối năm 2022, tăng từ con số 400 vào năm 2020. Hồi tháng 3, chính phủ cho biết 200 đơn đăng ký vẫn đang chờ xét duyệt. Trong khi đó, Hong Kong đặt mục tiêu có ít nhất 200 văn phòng top đầu vào năm 2025.
Rõ ràng rằng, tất cả những công ty mới này đều đang “khát” nhân sự. Khoảng 40% văn phòng được KPMG và Agreus Group khảo sát đang có kế hoạch tuyển dụng trong năm nay, trong khi gần 60% nhân sự năm ngoái đã được tăng lương. Về lý thuyết, họ có thể là những banker thất nghiệp đến từ các ngân hàng như Credit Suisse hay Morgan Stanley vốn đang sa thải hàng nghìn người.
Lương cao, việc không nhẹ
Trên thực tế, các văn phòng gia đình thường đặt yêu cầu khá cao với nhân sự. Nguyên nhân là, khi làm việc trong những công ty này, họ sẽ biết rất nhiều về một gia tộc nên niềm tin đóng vai trò quan trọng. Một cựu giám đốc văn phòng gia đình cho biết họ quản lý nhiều vấn đề bí mật, đầu tư, hoạt động từ thiện và các chuyến đi khắp thế giới của khác hàng.
Có tài năng xuất chúng trong lĩnh vực tài chính không phải là điều tiên quyết khi làm công việc này. 3 giám đốc điều hành đã chia sẻ với Bloomberg về tiêu chí cho 1 nhân viên lý tưởng. Họ cần sự thận trọng, muốn nhân viên thông thạo tiếng Quan thoại và biết đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Một người khác thì cho biết khả năng hoà giải các vấn đề giữa anh chị em trong gia tộc là ưu tiên hàng đầu.
Theo Paul Westall, nhà đồng sáng lập của Agreus, châu Á đang thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Hoạt động tuyển dụng ở Singapore diễn ra đặc biệt gay gắt, vì các công ty ở đây phải đạt đủ số lượng nhân sự tối thiểu để được giảm thuế và các ưu đãi khác. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở đây chỉ là 1,9%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hong Kong là 2,9%.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, nhiều chính phủ đang hỗ trợ việc mở các lớp học đào tạo. Tại Singapore, Wealth Management Institute đã hỗ trợ để tổ chức các lớp này. Một trong những chương trình đào tạo nổi bật của họ là đưa các sinh viên tốt nghiệp thành nhân sự có “Chứng nhận hành nghề văn phòng gia đình”, sau khi hoàn thành các khoá học trị giá 11.880 SGD (8.922 USD) trong 5,5 ngày.
Khoá học về cách “Vận hành Văn phòng gia đình” của International Institute for Management Development đến từ Thuỵ Điển cũng được tổ chức ở Singapore từ năm ngoái. Khoá học kéo dài 3,5 ngày với mức phí từ 17.500 SGD.
Ngoài Singapore, các đối thủ khác đến từ châu Á cũng đang “chạy đua” để đuổi kịp. Hong Kong đang có kế hoạch tài trợ cho Hong Kong Academy for Wealth Legacy đối với khoá học như ở Singapore.
Trong khi đó, Dubai đã ra mắt DIFC Family Wealth Centre từ tháng 3. Được biết, đây là trung tâm dành riêng cho hoạt động quản lý tài sản của các gia đình đầu tiên trên thế giới.
Một giám đốc điều hành văn phòng gia đình cho biết công việc của họ bao gồm đánh giá các khoản đầu tư và tương tác với các nguyên thủ quốc gia, cho đến đặt vé máy bay, sắp xếp lịch phục vụ ăn uống cho khách hàng.
Người khác thì chia sẻ, họ thường nhận được cuộc gọi vào lúc đêm khuya, khi khách hàng có một ý tưởng giao dịch nào đó được bạn bè “truyền cảm hứng”. Ví dụ, có người gọi cho ông lúc 11 giờ đêm để “mua vàng” và không yêu cầu gì thêm.
Ngành “hot” nhưng "khát" nhân sự dày kinh nghiệm
Nhu cầu đối với việc tìm kiếm nhân tài phù hợp với ngành đang trở nên cấp thiết. Một số văn phòng gia đình ở châu Á phải tuyển cả thực tập sinh.
Khi Elena Lee, sinh viên 19 tuổi của Đại học Stanford, đang tìm kiếm việc làm thêm vào mùa hè, cô đã nộp đơn vào một gia đình văn phòng ở Hong Kong. Song, cô lại không biết nhiều về ngành này.
Trong 2 tháng, Lee làm “back office” để tìm hiểu cách hoạt động của ngành này, thỉnh thoảng tham gia cùng các giám đốc điều hành khi họp với khách hàng. Công ty đang chuẩn bị mở rộng sang Singapore, nên cô đã hỗ trợ việc nghiên cứu, đánh giá các tiêu chí ESG và cấu trúc của các quỹ tín thác.
Khi đồng hồ điểm 10 giờ tối, tại Admiralty Centre, Dixon Wong kết thúc lớp đào tạo bằng cách đặt ra một câu hỏi. Trong vài tuần tới, họ sẽ nghiên cứu về kế hoạch khuyến khích sự cạnh tranh và những “tiểu xảo” được các tỷ phú sử dụng trong những đợt chuyển giao tài sản phức tạp.
Học viên của những khoá học như vậy sẽ nhận được chứng nhận phù hợp để gia nhập đội ngũ phục vụ các gia đình siêu giàu dù thời gian đào tạo là rất ngắn.
Tham khảo Bloomberg