Đồi sầu riêng của ai? Được trồng trên đất gì, ai quản lý? Nguy cơ sạt lở với độ dốc lớn từ đồi sầu riêng này đã được cảnh báo ra sao?... Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online và mạng xã hội đặt ra sau khi những hình ảnh về hiện trường sạt lở trên đèo Bảo Lộc được đăng tải.
Đồi sầu riêng của ai?
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online tại hiện trường sạt lở đèo Bảo Lộc, đồi sầu riêng nằm dựng đứng phía sau trạm cảnh sát giao thông. Đây cũng là vị trí đất trên đồi sầu riêng sạt lở, ập xuống làm ba chiến sĩ đang công tác ở trạm hy sinh và làm một người dân thiệt mạng.
Trong suốt gần 24 giờ, lực lượng cứu hộ phải xúc, ủi hàng ngàn mét khối đất xung quanh trạm để đưa các thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường. Theo quan sát, đây là đồi sầu riêng trồng trên đồi dốc, có đất rừng bao quanh.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về câu hỏi "Đồi sầu riêng nơi xảy ra sạt lở đất làm chết người là của ai?", ông Vũ Đình Cường, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Phần đất đó trước đây nằm ở vị trí làm trạm cảnh sát giao thông nên ngành tài nguyên và môi trường ở địa phương nơi đó sẽ quản lý.
Còn phần đất phía sau trạm có giai đoạn giao về cho chính quyền quản lý nên địa phương sẽ nắm rõ nhất đất đồi sầu riêng thuộc loại đất gì, của ai quản lý. Kiểm lâm chỉ quản lý chung các đơn vị chủ rừng...".
Giải thích thêm sự việc trên, ông Lê Bình Minh, chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, cho biết: "Tôi chỉ mới về nhận nhiệm vụ nên chưa nắm rõ đơn vị nào quản lý. Có nghe một số anh em nói trước đây là vườn điều.
Tôi sẽ kiểm tra và thông tin lại sự việc này. Vì hiện nay đang phối hợp với các lực lượng khác dọn dẹp hiện trường vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc".
Đồi sầu riêng có phải nguyên nhân?
Một nguồn tin khác cho biết toàn bộ diện tích trồng sầu riêng phía sau lưng chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc là đất lâm nghiệp, do người đàn ông tên Bi (cơ quan chức năng đang xác minh) cư trú trong miếu Ba Cô trồng từ năm 2019.
Toàn bộ diện tích của chốt cảnh sát giao thông hơn 500m2, và một phần nhỏ đồi sầu riêng phía sau (nối liền với khuôn viên trạm) là đất ngoài lâm nghiệp.
Ông Bi dẫn nước từ các con suối về để tưới vườn sầu riêng, chứ không khoan giếng như nhiều thông tin trước đó.
Trao đổi về việc có phải khu trồng sầu riêng phía sau trạm là nguyên nhân chính gây sạt lở, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng không có cơ sở. Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã chỉ đạo mời các chuyên gia địa chất xác định nguyên nhân vụ sạt lở. Đồng thời, đánh giá địa chất toàn bộ tuyến đèo Bảo Lộc và các tuyến đèo quanh tỉnh Lâm Đồng để có giải pháp lâu dài.
Trưa 31-7, công tác cứu hộ tại điểm sạt lở đèo Bảo Lộc vẫn đang rất khẩn trương, lực lượng cứu hộ bắt đầu tìm tới vị trí xe cộ bị chôn vùi dưới đống đất đá