Theo tờ Nikkei Asia, Bộ Thông tin Myanmar ngày 30-6 đã đưa ra cảnh báo với các phương tiện truyền thông nước ngoài, yêu cầu không sử dụng cụm từ “chính quyền quân sự”.
Chính quyền Myanmar hiện nay do quân đội lãnh đạo, kiểm soát các bộ của chính phủ, được gọi là Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) và do Thống tướng Min Aung Hlaing làm chủ tịch.
Quân đội Myanmar đã thành lập hội đồng vào ngày 2-2, một ngày sau khi tiến hành cuộc chính biến bắt giữ Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và các quan chức cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) với cáo buộc gian lận bầu cử.
Quân đội Myanmar yêu cầu không dùng cụm từ 'chính quyền quân sự'. Ảnh: REUTERS
Trong thông báo đăng trên tờ báo nhà nước Global New Light của Myanmar, Bộ Thông tin Myanmar cũng nhấn mạnh rằng SAC "chỉ kiểm soát các nhiệm vụ khác nhau của Nhà nước phù hợp với các quy định về tình trạng khẩn cấp" theo hiến pháp, và SAC là "không phải là một chính phủ đảo chính".
Theo thông báo, cơ quan này cho biết "một số phóng viên nước ngoài" tại Myanmar đã "phóng đại tin tức của họ trích dẫn các nguồn tin không có nguồn gốc và tin tức sai lệch liên quan Myanmar", đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra hành động đối với các hãng thông tấn nước ngoài nếu họ "áp dụng sai cách sử dụng, trích dẫn và phóng đại tin tức giả và phổ biến thông tin sai lệch".
Kể từ chính biến hồi tháng 2, quân đội Myanmar đã nhiều lần yêu cầu các phương tiện truyền thông nói chung không sử dụng cụm từ "chính quyền quân sự", song lần này đã nhắm vào các phương tiện truyền thông nước ngoài.
Theo Nikkei Asia, bằng cách nêu rõ thuật ngữ mà truyền thông nước ngoài không được sử dụng trong các bài báo, quân đội Myanmar dường như đang cố gắng cải thiện hình ảnh toàn cầu của mình thông qua việc giảm số lượng các bài báo quốc tế chỉ ra sự thiếu hợp pháp được quốc tế công nhận của chính quyền hiện tại ở Myanmar.
Trước đó, chính quyền quân sự Myanmar hôm 30-6 đã thả tổng cộng 2.296 người biểu tình chống chính biến, bao gồm những nhà báo đưa tin chỉ trích về sự đàn áp người biểu tình của lực lượng quân đội.
Trong số những người biểu tình phản đối chính biến được thả có nhà báo Kay Zon Nway của hãng thông tấn Myanmar Now, phóng viên ảnh Ye Myo Khant của Cơ quan Báo chí Myanmar.
Một quan chức Myanmar giấu tên cho biết không có người nước ngoài nào trong số những người được thả khỏi Insein vào hôm 30-6.
Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, hiện đang bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia kể từ khi chính biến bắt đầu vào hồi tháng 2, đã yêu cầu người dân Myanmar tiếp tục “đoàn kết” chống chính quyền quân sự, các luật sư của bà này hôm 29-6 cho hay.
Theo một nhóm quan sát địa phương, hơn 880 thường dân đã thiệt mạng và gần 6.500 người bị bắt giữ vì phản đối chính biến.